Chính sách tiền tệ đi đúng hướng

“Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng”. Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí mới đây.

pKhách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank). ẢNH: trần việt - ttxvn


Xin Thống đốc cho biết, những kết quả đạt được khi NHNN triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ?


Sau 5 tháng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 và gần 4 tháng thực hiện NQ 11 của Chính phủ, kết quả ban đầu đạt được rất tốt.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 6,92%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (7,46%). Và nếu so với chỉ tiêu cả năm tăng dưới 20%, thì có thể khẳng định rằng, tăng trưởng tín dụng đang đi đúng với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát thì tín dụng đã được tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất.

Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng tín dụng đã đạt 25% (trong khi tăng chung chỉ là 6,92%). Đối với khu vực phi sản xuất, nếu như cuối năm 2010 tỷ trọng tín dụng chiếm 18,87% thì đến cuối tháng 5/2011 chỉ còn chiếm 16,91%. Rõ ràng, kết quả thực hiện nhiệm vụ đang đi đúng hướng theo mục tiêu điều hành của Chính phủ và NHNN.

Thứ hai, Chính phủ gần đây đã đánh giá cao NHNN trong việc ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá giao dịch trong biên độ mà NHNN đã công bố, điều hành. Nhất là NHNN đã mua vào được một lượng ngoại tệ khá lớn trong vài tháng gần đây.

Thứ ba, thị trường vàng rất ổn định, giá vàng trong nước theo sát giá vàng thế giới, có thời điểm thấp hơn…

Chính phủ điều chỉnh mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng năm nay là (CPI) 15%, tăng trưởng GDP là 6%. Điều này tác động ra sao đến nhiệm vụ điều hành của NHNN trong năm và đến khi nào lãi suất có thể giảm?

Về cơ bản, chính sách tiền tệ không có gì thay đổi nhưng phải rất linh hoạt, nhất là trong việc thực hiện bốn mảng công việc mà Chính phủ giao cho NHNN và việc thực hiện bằng được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán đã được đề ra.

Về lãi suất, Chính phủ đã ban hành NQ số 83 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2011, trong đó nhận định: Lãi suất cao tác động đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất là điều không thể tránh khỏi. Bởi không có quốc gia nào lạm phát cao mà lãi suất lại thấp. Để giảm tổng cầu thì lãi suất phải cao, phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Trong NQ 83, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành phân bổ đều chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán theo các quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, và mùa vụ sản xuất, kinh doanh… NHNN quán triệt các NHTM tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống…
Về nguyên tắc chung, khi CPI giảm dần, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc chứ không thể thay đổi ngay về chính sách tiền tệ.

Có ý kiến cho rằng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng 5 tháng đầu năm hơi thấp, Thống đốc có đồng tình với ý kiến này hay không?

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 6,92%, theo tôi là không thấp trong điều kiện GDP 5 tháng đầu năm tăng 5,6%, dự kiến 6 tháng cuối năm tăng 5,6 - 6%. Hơn nữa, trong bối cảnh phải ưu tiên kiềm chế lạm phát thì tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy là phù hợp.

Tổng phương tiện thanh toán tăng thấp là do có biến động tiền gửi nhưng NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ nên không có hiện tượng điều hành giật cục mà rất linh hoạt.

H.V (theo SBV)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN