Canada khẳng định Việt Nam là một phần quan trọng trong đàm phán CPTPP

Việt Nam là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne. Ảnh: Reuters

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada François-Philippe Champagne trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN có mặt tại Chile đưa tin về Lễ ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
         
Theo Bộ trưởng François-Philippe Champagne, Việt Nam là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán CPTPP. Ông đánh giá cao sự lãnh đạo của Bộ trưởng và của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn bên cạnh Canada để đảm bảo rằng khi muốn hướng tới một hiệp định tham vọng mang lại lợi ích cho người dân cũng cần phải hiểu mỗi quốc gia có mức độ phát triển khác nhau. Bộ trưởng Champagne nhấn mạnh Canada mong muốn củng cố mối quan hệ quan trọng với Việt Nam và theo Hiệp định CPTPP, hai nước có thể tăng cường thương mại trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước có thể làm được nhiều hơn nữa.
         
Để thúc đẩy việc thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng Canada cho rằng cả Canada và Việt Nam sẽ cùng phối hợp để đảm bảo hiệp định sẽ có hiệu lực, mang lại lợi ích cho người dân như đã cam kết. Ông mong muốn hai nước sẽ bắt đầu với việc giảm thuế để bảo đảm thuận lợi cho giao thương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hưởng lợi từ điều đó. Ông cũng bày tỏ vui mừng khi Canada cùng Việt Nam và các nước khác sẽ thiết lập các quy tắc về thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương một cách công bằng, tiến bộ và cởi mở. Qua đó, các bên đều được hưởng lợi, có thể giao thương một cách cởi mở, bình đẳng và cân bằng.
         
Về khái niệm toàn diện và tiến bộ được Canada khởi xướng trong Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng François-Philippe Champagne cho biết "toàn diện" ở đây là một thỏa thuận chất lượng tại cuộc gặp ở Vina Del Mar, Chile - cuộc gặp đầu tiên sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các bên sau đó đã quyết định muốn có một thỏa thuận chất lượng và đó là điều mà người dân muốn. Ông nói thêm, "toàn diện" có nghĩa để phản ánh tiêu chuẩn cao trong hiệp định, có thể là về lao động, môi trường, hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi "tiến bộ" bảo đảm thương mại là thực tế đối với mọi người dân, bảo đảm người dân ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp cận với thương mại, làm cho thương mại thực tế với người dân. Ông nói: "Chúng tôi muốn phản ánh qua tên gọi của Hiệp định rằng Hiệp định này là dành cho tất cả mọi người, không phải chỉ có lợi cho các công ty lớn, và ai cũng có thể giao thương với các thị trường mới". Theo Bộ trưởng Canada, Hiệp định này sẽ có ích đối với người dân Việt Nam và Canada, và thế giới sẽ coi đây là một hình mẫu cho thương mại tiến bộ và bao trùm.

        
Bộ trưởng François-Philippe Champagne cũng cho rằng Hiệp định CPTPP đã phản ánh tất cả các tham vọng. Người dân muốn một thỏa thuận bao trùm các vấn đề về thương mại và dịch vụ, thương mại và hàng hóa và bảo đảm việc đạt được một sự thống nhất ở mức độ cao. Bộ trưởng Canada nhấn mạnh cần bảo đảm rằng mọi thành phần xã hội sẽ được hưởng lợi từ thương mại và đây chính là điều đạt được với CPTPP.


TTXVN/Báo Tin tức
CPTPP - hướng đi của thương mại tiến bộ thế kỷ XXI
CPTPP - hướng đi của thương mại tiến bộ thế kỷ XXI

Một năm sau khi Mỹ đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương còn lại, trong đó có Việt Nam, đã ký kết một hiệp định mới nhằm xóa bỏ các rào cản thuế quan trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN