Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Quản gia” của nông dân

Nằm ở vị trí thuận lợi về du lịch, dịch vụ, Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung phát triển khách hàng sản xuất nông nghiệp với du lịch. Theo đó, Agribank luôn sát cánh với bà con nông dân, giúp họ vượt khó khăn, ổn định sản xuất. Trong đó, huyện Châu Đức đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng của chi nhánh.

“Quản gia” của nông dân

Ông Hồ Thúc Tiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: “Agribank chính là “quản gia” của bà con nông dân ở huyện này. Trong nhiều năm qua, tình hình kinh tế trên địa bàn huyện mặc dù cũng không tránh khỏi khó khăn chung, thế nhưng hệ thống ngân hàng huyện Châu Đức, đặc biệt là Agribank đã có những hoạt động đẩy mạnh cho vay, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, góp phần phát triển kinh tế của huyện. Nhờ nguồn vốn vay của Agribank kịp thời và đúng địa chỉ nên nhiều hộ nông dân đã trở nên giàu có, nhà cửa, trang trại khang trang”.

Anh Nguyễn Văn Tiều đang chăm sóc vườn tiêu.


Thực tế cho thấy, tính đến giữa tháng 6/2015, tổng dư nợ cho vay hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó chi nhánh huyện Châu Đức chiếm hơn 855 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù nguồn vốn vay đạt hiệu quả tốt nhưng so với những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, chưa hoàn thành kế hoạch. Nguyên nhân nhiều khách hàng thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động nên giảm dư nợ hoặc trả nợ, không có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất. Mặc dù vậy, nợ xấu đã được kiểm soát, hiện còn 108 tỷ đồng, chiếm 2,64% trên tổng dư nợ. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết thêm: “Để đạt được kết quả đó, chính là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, đúng hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Tổng Giám đốc Agribank. Cụ thể, Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện đến từng hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chương trình tái cơ cấu nợ theo QĐ 780, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất theo Thông tư 08/2014/TT - NHNN, góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, giúp khách hàng khôi phục sản xuất trong tình hình kinh tế chưa được phục hồi. Đồng thời, việc ưu tiên tập trung cho vay các chương trình nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ - CP đã đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, vì vậy tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng trưởng”.

Kiểm soát vốn vay hiệu quả

Minh chứng về hiệu quả vay vốn nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Nữ, Phó Giám đốc chi nhánh Agribank huyện Châu Đức cùng các cán bộ tín dụng đưa chúng tôi về ấp Liên Sơn, xã Xà Bang gặp bà Hồ Kim Thủy, 59 tuổi, một trong khách hàng lâu năm của ngân hàng. Theo bà Nữ, huyện Châu Đức có lợi thế vùng đất đỏ vàng và đất đen trên nền đá bazan rộng lớn (chiếm tỉ lệ 85,8% tổng diện tích đất) nên đất rất tốt, có độ phì cao, thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp và các loại hoa màu khác.

Anh Nguyễn Văn Tiều, ấp Tân Thành, xã Quảng Thành mới vay ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Châu Đức khoảng 800 triệu đồng để làm vốn lưu động trồng 3.000 ha tiêu. Đây là số tiền vay trong năm 2015, trước đó anh Tiều đã làm khách hàng của Agribank từ năm 1994 với số tiền vay thấp nhất 20 triệu đồng rồi dần dần nâng lên vài trăm triệu đồng để mở rộng kinh doanh. Anh Tiều tâm sự: “Trồng cây tiêu tuy vất vả do lúc được mùa mất giá, lúc mất mùa lại được giá nên thu nhập phần lớn là lấy công làm lời. Thường thì mỗi năm, vườn tiêu gia đình tôi thu hoạch khoảng 4 - 7 tấn, tùy thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, năm nay giá tiêu cao và được mùa nên gia đình rất phấn khởi. Hiện giá tiêu trung bình 200.000 đồng/kg, năm ngoái giá chỉ có 140.000 - 150.000 đồng/kg”.

DNTN Việt Khôi tại xã Bình Giã sản xuất đá hoa cương, điêu khắc bằng đá. Anh Trần Việt Khôi, giám đốc công ty cho biết đã làm “bạn” với Agribank Châu Đức được 6 năm nay. Ban đầu anh chỉ vay 50 triệu đồng để làm vốn lưu động, sau nâng dần lên 1 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Nữ, tuy các hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở đây vay không nhiều, nhưng phần lớn các khách hàng đều trả nợ đầy đủ và không để nợ xấu nhiều xảy ra. Bản thân ngân hàng cũng không muốn mạo hiểm cho các doanh nghiệp lớn vay số tiền lớn trong khi khả năng trả nợ lại không khả thi.
Theo Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khách hàng tiềm năng trên địa bàn rất lớn nhưng ngân hàng vẫn chưa khai thác hết do vướng một số thủ tục, giấy tờ. Bởi hiện nay, phần lớn đất đai người dân chủ yếu mua bán bằng giấy tay, chưa được cấp sổ đỏ nhiều. Mặt khác, bảo hiểm nông nghiệp chưa được thực hiện, việc này bất lợi cho hộ dân các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp do phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Theo đó, Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất muốn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp giải quyết sớm việc cấp sổ đỏ cho người dân đã sử dụng, canh tác lâu dài trên thửa đất đang sử dụng và không có tranh chấp; kiến nghị Bộ Tài chính cho thực hiện việc bán bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nên định hướng đầu tư ngành nghề, cây con cho nông dân, tránh rủi ro sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, dẫn đến thua lỗ và không có khả năng trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở các vùng quy hoạch tập trung chưa được bảo hộ giá. Vì vậy, Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất mong muốn Chính phủ hỗ trợ bảo hộ giá cho sản phẩm nông nghiệp để tránh rủi ro về giá cho người nông dân. Đồng thời, Chính phủ nên có nhiều dự án đầu tư hơn vào khu vực nông thôn để người nông dân có cơ hội tiếp cận và phát triển sản xuất.

Chia tay với vùng đất đỏ Bà Rịa, với những trang trại xanh mướt hồ tiêu, cao su xe chúng tôi bon bon về lại Vũng Tàu. Đường giao thông nông thôn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là đẹp và hoàn chỉnh nhất nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp làm giàu khi mà đồng vốn của Agribank đã được cán bộ tín dụng làm “quản gia” bám sát và cho vay đúng người, đúng địa chỉ.

“Bên cạnh đẩy mạnh cho vay, ngân hàng còn thu hút được lượng tiền gửi đáng kể. Tính đến 18/6/2015, huy động nội tệ trên địa bàn huyện đạt hơn 1.368 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2014; huy động ngoại tệ gần 700.000 USD, tăng 26% so với cuối năm 2014. Từ nay đến cuối năm, Agribank chi nhánh huyện Châu Đức tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các đối tượng ưu tiên”. Ông Trần Văn Giáo, Giám đốc chi nhánh Agribank huyện Châu Đức


Nhóm PV kinh tế
Agribank khu vực miền Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ
Agribank khu vực miền Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ

VPĐD Agribank khu vực miền Nam đã long trọng tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VII nhiệm kỳ 2015-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN