10:18 15/10/2019

Hội nghị Trung ương lần thứ 11: Thể hiện bản lĩnh, tầm cao trí tuệ của Đảng   

Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc ngày 13/10.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng như nhiều nội dung quan trọng khác. 

Đánh giá về kết quả của Hội nghị, đông đảo cán bộ, đảng viên ở TP Hồ Chí Minh đều bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào những nội dung hội nghị đã thảo luận và thống nhất thông qua, nhất là các nội dung chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.     

Thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng    

Theo dõi kỹ Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh đánh giá: Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là các văn kiện sẽ trình Đại hội, thể hiện trí tuệ, tầm cao, bản lĩnh của Đảng trong thời kỳ mới, đồng thời đem lại cơ sở khoa học cho toàn bộ đảng viên, nhân dân tiếp tục thực hiện mục tiêu, lý tưởng về con đường đã chọn, nhất là trong bối cảnh quốc tế diễn ra phức tạp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Hội nghị đã cho ý kiến rất quan trọng về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là nhân sự cấp cao của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó nhấn mạnh đến việc phải lựa chọn những đại biểu ưu tú, uy tín, tiêu biểu cho đức, tài, giới thiệu vào cấp ủy các cấp, đặc biệt cấp chiến lược là Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, không để lọt kẻ chạy chức chạy quyền, tha hóa quyền lực, suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

“Đây là vấn đề sống còn của Đảng, cho thấy sự đúc kết những bài học xương máu của công tác nhân sự, để chọn những người ưu tú, xứng đáng sự tin cậy của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân”,  Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Thượng tá Lã Hữu Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã bàn thảo rất nhiều vấn đề quan trọng, là một đảng viên, cựu chiến binh, ông đặc biệt tâm đắc với những phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói về công tác cán bộ. Trong bối cảnh Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, những lời chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như một kim chỉ nam cho công tác cán bộ, có giá trị không chỉ cho ngày hôm nay mà cho việc xây dựng Đảng trong thời gian tới. Thời gian vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đó làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào công tác lựa chọn, quy hoạch, sử dụng cán bộ của Đảng và Nhà nước.    

Thượng tá Lã Hữu Vĩnh cho rằng: Đối với công tác cán bộ, chúng ta phải xử lý, kỷ luật những đảng viên, cán bộ cấp cao là điều đau xót nhưng không thể không làm, vì sự nghiệp của Đảng, của đất nước và nhân dân. Việc khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là điều buộc phải làm, cần phải làm, không chỉ làm trong sạch đội ngũ đảng viên mà có tác dụng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiêm minh của pháp luật.

Góp ý về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có giải pháp chuyển biến mạnh mẽ, xử lý dứt điểm những “bê bối” của chính quyền cơ sở được phát hiện trong thời gian qua. Nếu không có một Đảng bộ, một chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh thì dẫu chính quyền cấp trên có tài giỏi đến đâu cũng không thể làm thay và lấp chỗ trống hụt hẫng này.    

Chuẩn bị tâm và thế mới tiến tới Đại hội XIII của Đảng     

Theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại TP Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 cho thấy quyết tâm của Đảng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới đã được Đảng khởi xướng từ 6 nhiệm kỳ trước. Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng là một báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dựa vào đó để thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng khóa XII đã cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, từ đó đưa ra những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ Khóa XIII.    

Cho rằng Hội nghị Trung ương lần thứ 11 có vai trò rất quan trọng, bà Nguyễn Thị Thoa, cán bộ hưu trí Quận 8, khẳng định: Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban chấp hành Trung ương trong công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, cũng như thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần định hướng cho phát triển đất nước thời gian tới trong bối cảnh có nhiều thách thức mới phát sinh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Thượng tá Lã Hữu Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất” là nhiệm vụ chung rất quan trọng trong việc lựa chọn, đề cử người thực sự xứng đáng vào những vị trí lãnh đạo các cấp thời gian tới. Chỉ khi có được những đảng viên, cán bộ đủ đức và tài thì nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc mới có thể thành công.    

Để làm được điều đó, theo Thượng tá Lã Hữu Vĩnh, cần làm tốt những kết luận Hội nghị Trung ương 11 đã đưa ra như: Tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân của cán bộ, đảng viên; có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; khuyến khích, động viên, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm... Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực một cách phù hợp, chống lại sự chuyên quyền, tha hóa quyền lực của những cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức trách trong bộ máy lãnh đạo Đảng, lãnh đạo chính quyền.    

Chia sẻ thêm về các nội dung quan trọng khác tại Hội nghị lần này, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong đó có nghiên cứu căn cơ, dự báo chiến lược để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nhất là những sự kiện diễn ra phức tạp trong 3 tháng vừa qua, cho thấy Đảng ta đã thực hiện đúng 2 nhiệm vụ chiến lược là vừa xây dựng, đổi mới toàn diện đồng bộ, vừa kiên quyết kiên trì bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, xem củng cố quốc phòng an ninh là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu hiện nay.

Để triển khai các nội dung của Hội nghị Trung ương lần thứ 11, theo bà Nguyễn Thị Thoa, các cấp ủy đảng cần sớm phổ biến, xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung mà Hội nghị đã thống nhất, trong đó cần có giải pháp cụ thể nhằm thu hút nguồn lực phục vụ cho phát triển. Ngoài ra phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chuẩn bị thật tốt cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất…

Anh Tuấn - Xuân Khu - Xuân Tình (TTXVN)