Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất nhiều nội dung trọng tâm có ý nghĩa chiến lược, định hướng lâu dài.
Nhiều đảng viên tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự ủng hộ, đánh giá rất cao những định hướng mới mà Hội nghị đã đề ra, là bước quan trọng chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng và sự phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Hợp nhất Báo cáo chính trị thể hiện sự đổi mới
Tiến sĩ Hoàng Văn Tú, Trưởng Bộ môn Chính trị học, Khoa Lý luận Cơ sở (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh), đánh giá cao việc chủ trương hợp nhất 3 Báo cáo chính trị tại Hội nghị Trung ương 12. Ảnh: TTXVN phát
Tiến sĩ Hoàng Văn Tú, Trưởng Bộ môn Chính trị học, Khoa Lý luận Cơ sở (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ trương hợp nhất 3 báo cáo (Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo về tổng kết xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng) tại Hội nghị Trung ương 12 là chủ trương đúng đắn, hợp lý, xuất phát từ yêu cầu tổng kết sâu sắc, toàn diện nhiệm kỳ Đại hội XIII, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội XIV theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh trùng lặp.
Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Tú, chủ trương này giúp tăng tính liên thông giữa ba lĩnh vực then chốt, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối đối với mọi mặt của đời sống xã hội”. Việc hợp nhất tạo điều kiện để Ban Chấp hành Trung ương có cái nhìn xuyên suốt, phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội và lãnh đạo chính trị tổng thể. Đây là bước đi cải tiến phương thức lãnh đạo, hướng tới sự khoa học, gắn kết và thiết thực hơn trong tổng kết nhiệm kỳ, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh hình thức, góp phần đổi mới tư duy lãnh đạo.
“Việc Báo cáo chính trị mới nhấn mạnh các động lực phát triển mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế sâu rộng là rất đúng đắn, kịp thời và mang tính chiến lược. Trong bối cảnh tăng trưởng truyền thống đang chững lại, đây là những động lực mới mang tính nền tảng để Việt Nam bứt phá trong thập niên tới”, Tiến sĩ Hoàng Văn Tú chia sẻ.
Ở góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Hoàng Văn Tú cho rằng, trong bối cảnh quốc tế biến động (xung đột địa chính trị, bảo hộ thương mại...), Việt Nam cần giữ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, kiên định lợi ích quốc gia. Hội nhập quốc tế sâu rộng cần được khai thác hiệu quả bằng cách tận dụng các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao và chuyển giao công nghệ; chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng nâng cấp năng lực sản xuất, logistics, tiêu chuẩn lao động và môi trường; xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, minh bạch, tạo niềm tin với nhà đầu tư quốc tế; tăng cường “ngoại giao kinh tế”, tranh thủ các mối quan hệ chiến lược để mở rộng không gian phát triển.
Nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững
Dựa trên nội dung của Hội nghị Trung ương 12, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh (nguyên Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu Báo cáo chính trị mới phải được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, phản ánh đúng thực tiễn phát triển của đất nước, nhấn mạnh các động lực phát triển mới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của các quốc gia. Nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị Trung ương tập trung thảo luận vấn đề cốt lõi, xác định cho được mục tiêu tổng quát và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới, trong đó có phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này khẳng định một trong những trọng tâm được người đứng đầu Đảng cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương luôn chú trọng là tìm giải pháp đột phá chiến lược cho phát triển đất nước.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng những định hướng tại Hội nghị Trung ương 12 sẽ tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ cho đất nước. Ảnh: TTXVN phát
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc tin tưởng, những định hướng tại Hội nghị Trung ương 12 sẽ được cụ thể hóa trong Báo cáo chính trị mới của Đảng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu. Chúng ta có thể tập trung các ngành công nghệ cần ưu tiên thu hút giai đoạn hiện nay như, vi điện tử, bán dẫn, trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác, robot, thiết bị tự hành…
Để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh rà soát cơ chế, chính sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi và hiệu quả. Đó có thể là chính sách hợp tác công - tư; chính sách thu nhập dành cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp; miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm công nghệ, mô hình mới.
Chúng ta phải phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như AI, Big Data, bán dẫn. Cùng với những giải pháp trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc cho rằng, cần sớm giải tỏa các điểm nghẽn khác để thực hiện và chuyển hóa nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Cụ thể là thể chế hóa bằng luật hoặc quy định giúp tháo gỡ vướng mắc về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu khoa học sang doanh nghiệp để chuyển thành sản phẩm thương mại.
Cần thiết có những tổ chức hay thiết chế khoa học công nghệ trung gian hợp tác các trường đại học, viện nghiên cứu đang có những kết quả là sản phẩm nghiên cứu ở dạng mẫu ban đầu (prototype) để tiếp tục hoàn thiện công nghệ công nghiệp hoặc sản phẩm ở mức độ công nghiệp, sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với một chi phí hợp lý nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích hữu hiệu và thực tế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, đồng thời vận dụng cơ chế hậu kiểm để đẩy nhanh quá trình thực thi.
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội và ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Đây là công cụ chính để đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc kỳ vọng, Nghị quyết số 57-NQ/TW với mục tiêu tập trung vào việc giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng các nguồn lực khác nhau của xã hội để tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đem lại kết quả phát triển mạnh mẽ cho đất nước.