09:10 12/09/2019

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019

Với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 đã diễn ra vào sáng 12/9, tại Hà Nội.

Sự kiện do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tổ chức, với sự tham gia chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh Hội thảo chuyên đề Nguồn vốn nhân lực - Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp nhà nước trong dài hạn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ các giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển nguồn vốn con người, xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Những giải pháp này cũng được kỳ vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực cho nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 với tầm nhìn và chính sách mới nhằm đưa đất nước tiến xa hơn tới một thập kỷ phát triển bền vững hơn.

Chú thích ảnh
Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH Minda (vốn đầu tư của Ấn Độ) cung cấp cho nhà máy của các tập đoàn lớn tại Vĩnh Phúc như Toyota, Honda, Piaggio. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề về: Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 - mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu; Quan hệ đối tác công tư: Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững; Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp Nhà nước trong dài hạn.

Đại diện Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa; cũng như sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để thay đổi mô hình PPP như hiện nay. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới.

Về phía Ngân hàng Thế giới (WB), ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình phát triển con người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho biết, Việt Nam đang thực hiện tốt các Chỉ số vốn nhân lực nhưng cũng đang phải đối mặt với 2 thách thức chính trong việc đảm bảm nguồn nhân lực chất lượng cao. Để vượt qua thách thức này, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động.

Đại diện WB cũng đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để từ đó tạo nên kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Chú thích ảnh
Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao, HEINEKEN Việt Nam, chia sẻ về thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại HEINEKEN Việt Nam.

Tham dự Hội nghị, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao, HEINEKEN Việt Nam, chia sẻ về thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại HEINEKEN Việt Nam. Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí thải ra đại dương. Nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình truyền thống nói trên. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên đã sử dụng.

Thực tiễn áp dụng tại HEINEKEN Việt Nam cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Những sáng kiến này bao gồm việc tiến tới không rác thải cần chôn lấp – gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế: - Gần như 100% chai bia thủy tinh của HEINEKEN Việt Nam được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; Xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn; 4 trên 6 nhà máy bia của HEINEKEN Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon;iảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.

Sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger của HEINEKEN Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vât liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án đã thực hiện thành công ba mục tiêu: thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; đồng thời nâng cao hình ảnh của nhãn hiệu bia Tiger với tinh thần đánh thức bản lĩnh, hành động sáng tạo để hỗ trợ cộng đồng. Khởi động từ năm 2018, đến nay dự án đã xây được 2 cây cầu làm từ nguyên liệu nắp chai bia tái chế tại tỉnh Tiền Giang và An Giang. Cây cầu thứ ba tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2020.

Thạch Huê- PV (TTXVN)