02:19 28/02/2019

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2: Ghi nhận sự nỗ lực từ cả hai phía

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như mong muốn. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận nỗ lực của cả hai phía Mỹ và Triều Tiên để đi đến đàm phán ngày hôm nay.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc họp mở rộng. Ảnh: AFP/TTXVN

Đánh giá về kết quả Hội nghị, Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao) cho rằng, truyền thông quốc tế tỏ ra thất vọng bởi Mỹ - Triều Tiên đã đi được một chặng đường dài, nhưng kết quả cuối cùng lại “khá nghèo nàn”. Theo thông tin chính thức từ Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tại buổi họp báo, nguyên nhân chính là do những bất đồng về vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Triều Tiên muốn Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn và ngay lập tức lệnh cấm vận, trong khi Mỹ chưa sẵn sàng làm điều này.

Tiến sỹ Trần Việt Thái bày tỏ sự tiếc nuối khi Hội nghị được chuẩn bị rất công phu; sự đóng góp và chân thành của nước chủ nhà Việt Nam cũng thể hiện rõ ràng, tuy nhiên kết quả lại không đạt được như kỳ vọng do quan điểm, lập trường của hai bên còn khác xa nhau. Ghi nhận sự cố gắng của tất cả các bên, nhưng Tiến sỹ Trần Việt Thái cho rằng cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ hai phía trước khi đi đến những cuộc gặp quan trọng như thế này.

Dự đoán về tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Tiến sỹ Trần Việt Thái cho rằng, sau Hội nghị này, chắc chắn Mỹ, Triều Tiên sẽ có những đánh giá cụ thể hơn để tiếp tục thu hẹp khoảng cách. “Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, nhưng lại không đạt được mục đích. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và phá thế bao vây cấm vận là lộ trình gồm rất nhiều bước. Vì vậy, các bên phải đánh giá lại và chắc chắn không thể có cuộc họp cấp cao ngay trong một sớm một chiều được”, Tiến sỹ Trần Việt Thái phân tích.

Cho rằng, việc không có thỏa thuận nào được ký kết là điều đáng tiếc nhưng Tiến sỹ Thái nhận định, đây là dịp để các bên cùng nhìn lại. Vấn đề phi hạt nhân hóa không thể giải quyết ngay, dù thành công hay không thành công ở Hà Nội thì bước tiếp theo vẫn rất gian nan.

Đề cập tới sự tham gia của nước thứ ba hay của những tổ chức đa phương như Liên hợp quốc để góp phần vào việc thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Tiến sỹ Trần Việt Thái cho rằng, còn rất sớm để đánh giá cơ chế nào sẽ được sử dụng trong thời gian tới. Việc tham gia của các nước khác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tính toán của Mỹ và Triều Tiên, cũng như thời điểm, Tiến sỹ Thái đánh giá.

Phan Thu Phương (TTXVN)