05:23 16/05/2012

Hội nghị thượng đỉnh G-8: Sẽ chỉ dừng lại ở cam kết!

Diễn ra trong hai ngày 18 và 19/5 tại Trại David thuộc bang Maryland của Mỹ trong bối cảnh thế giới bộn bề khó khăn, giới quan sát quốc tế dự đoán hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-8) lần này sẽ chỉ dừng ở các cam kết mà khó có thể đưa những giải pháp cụ thể.

Diễn ra trong hai ngày 18 và 19/5 tại Trại David thuộc bang Maryland của Mỹ trong bối cảnh thế giới bộn bề khó khăn, giới quan sát quốc tế dự đoán hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-8) lần này sẽ chỉ dừng ở các cam kết mà khó có thể đưa những giải pháp cụ thể.

 

Nghị sự chồng chất

 

Là diễn đàn quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, chương trình nghị sự của hội nghị G-8 năm nay không thể nằm ngoài các vấn đề nóng như tình trạng bạo lực leo thang tại Xyri, vấn đề hạt nhân dang dở của Iran và CHDCND Triều Tiên, tiến trình chuyển giao sứ mệnh đảm bảo an ninh tại Ápganixtan, công cuộc cải cách của Mianma, nguy cơ mất an ninh lương thực tại châu Phi và cuối cùng là cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trước quá nhiều vấn đề gai góc của thế giới, Hội nghị G8 sẽ khó dẫn đến những giải pháp cụ thể

 

Thực tế, đối với từng vấn đề, giữa các nước và các nhóm nước lại tồn tại khá nhiều quan điểm trái chiều. Vì vậy, khó có thể đạt được sự đồng nhất trong một sớm một chiều và nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh G-8 năm nay, quy tụ các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nga, Canađa, Pháp, Anh, Đức, Italia và Nhật Bản, sẽ lại là diễn đàn để các nước thể hiện quan điểm của mình mà khó đạt được một kết quả cụ thể.

 

Cụ thể, với Xyri, các nước sẽ hối thúc chính quyền Đamát tuân thủ lệnh ngừng bắn cũng như thực hiện nghiêm túc kế hoạch hòa bình gồm 6 điểm của Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL), cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan. Nhiều khả năng, các nhà lãnh đạo sẽ bàn luận về các bước tiếp theo trong trường hợp lệnh ngừng bắn và kế hoạch hòa bình nói trên bị đổ vỡ. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị, Nga tuyên bố kiên quyết bảo lưu quan điểm rằng phe đối lập tại Xyri phải chấm dứt các hành vi bạo lực, trong khi các cường quốc khác lại đòi hỏi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có trách nhiệm đối với lệnh ngừng bắn.

 

Đối với chương trình hạt nhân của Iran, mọi việc có phần thuận lợi hơn khi G-8 chủ trương tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Thêm vào đó là kết quả đàm phán tích cực giữa quan chức Iran với đại diện Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Viene (Áo). Cuộc đàm phán giữa Iran với IAEA bắt đầu từ ngày 14/5 với những nội dung chính xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran mà nước này luôn khẳng định là vì mục đích hòa bình. IAEA cũng thuyết phục Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân, tài liệu, cùng các chuyên gia của nước này có liên quan đến hoạt động nghiên cứu hạt nhân mà IAEA cho rằng có thể sử dụng vào việc chế tạo bom nguyên tử.

 

Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của Triều Tiên lại không được thuận lợi như vậy vì nước này vừa phóng vệ tinh bằng tên lửa đạn đạo (nhưng thất bại) và dự định tiếp tục thử hạt nhân. Trong vấn đề này, G-8 ít nhiều đã được đồng thuận sau vụ phóng vệ tinh hồi tháng trước và hội nghị thượng đỉnh là diễn đàn để tái khẳng định những quan ngại này.

 

Một trong những chủ đề chính cũng được quan tâm là tiến trình chuyển giao sứ mệnh đảm bảo an ninh của liên quân do Mỹ và NATO đứng đầu tại Ápganixtan cho lực lượng sở tại. Đây được coi là yếu tố then chốt quyết định thành bại của kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ nước ngoài khỏi chiến trường Nam Á này vào cuối năm 2014. Theo các quan chức ngoại giao, để giải tỏa những quan ngại của nước chủ nhà về hỗ trợ tài chính và quân sự sau khi rút quân, các nhà lãnh đạo G-8 sẽ cam kết tiếp tục duy trì viện trợ phi an ninh cho Ápganixtan trong những năm tiếp theo.

 

Ngoài ra, không thể bỏ qua tiến trình cải cách chính trị và kinh tế của Mianma, nguy cơ mất an ninh lương thực tại châu Phi… trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G-8.

 

Nỗi ám ảnh nợ công

 

Và trên hết là “con bệnh” nợ công đang hoành hành Eurozone nói riêng và châu Âu nói chung, đe dọa cuốn thế giới vào một vòng xoáy khủng hoảng mới.


Những hy vọng về việc châu Âu sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ đã "tan thành mây khói", đè nặng lên tâm trạng của các nhà lãnh đạo G-8. Một lần nữa cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp và Tây Ban Nha càng làm tăng thêm những đồn đoán rằng cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu có thể vượt sang bên kia bờ Đại Tây Dương, làm đình trệ nền kinh tế Mỹ vốn đang bị chao đảo và tác động trực tiếp tới cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

 

Kể từ hội nghị thượng đỉnh G-8 mới đây nhất hồi năm ngoái tại Deauville, nhà lãnh đạo Nicolas Sarkozy của Pháp và Silvio Berlusconi của Italia đều đã phải trả giá với việc mất chiếc ghế tổng thống. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa hứng chịu một thất bại mà bà thừa nhận là "cay đắng và đau đớn" trong các cuộc bầu cử khu vực, phần nào bởi bà một mực cho rằng các chính sách khắc khổ vẫn là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng tại khu vực này.

 

Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên có sự góp mặt của tân Tổng thống Pháp Francois Hollande, và sự xuất hiện lần đầu tiên của Thủ tướng Italia Mario Monti và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Tuy nhiên, Tổng thống mới của Nga, ông Vladimir Putin - nhân vật đang được trông đợi nhất - lại không đến tham dự.

 

Cuộc khủng hoảng tiền tệ kéo dài tại châu Âu đã làm dấy lên ý kiến cho rằng chính sách "thắt lưng buộc bụng" - giải pháp cho cuộc khủng hoảng mà khu vực châu Âu theo đuổi - đã không phát huy tác dụng. Theo Uri Dadush - nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment - hội nghị lần này sẽ là cơ hội để Mỹ, Pháp, Italia và có thể là Anh kêu gọi Đức "linh hoạt" hơn đối với việc phục hồi kinh tế, và để cho các nước này tăng lương. Tuy nhiên, hầu như không có nhà phân tích nào kỳ vọng tại hội nghị này, Đức sẽ bất ngờ thay đổi lập trường về giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, hay Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thay đổi cách tiếp cận. Matthew Goodman, cựu giám đốc vấn đề kinh tế quốc tế thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, hiện làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế nói: "Nếu bạn đang trông chờ hội nghị này sẽ có những biện pháp hay tuyên bố mạnh mẽ về Eurozone hay bất kỳ vấn đề nào khác, thì bạn sẽ bị thất vọng. Đây sẽ không phải là hội nghị thượng đỉnh kiểu đó, mà là một sự kiện để trò chuyện hơn là đưa ra hành động".

 

Phương Hồ