12:13 17/12/2010

Hội nghị thượng đỉnh EU: Bất đồng sâu sắc về giải quyết khủng hoảng nợ

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có mặt tại thủ đô Brúcxen (Bỉ) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 16 và 17/12.

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có mặt tại thủ đô Brúcxen (Bỉ) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 16 và 17/12.


Hội nghị lần thứ 7 và cũng là hội nghị cuối cùng trong năm 2010 diễn ra trong bối cảnh "căn bệnh" khủng hoảng nợ công ở khu vực châu Âu đang ngày càng trầm trọng và chưa có thuốc chữa.

Trước thềm hội nghị, dư luận cho rằng các lãnh đạo châu Âu khó có khả năng đưa ra được một quyết định mới nào liên quan đến kiềm chế khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, áp lực tìm biện pháp giải quyết tình trạng hiện nay đặt lên vai các nhà lãnh đạo EU không hề nhỏ. Phiên họp bắt đầu lúc 23 giờ ngày 16/12 (giờ Việt Nam) sẽ chỉ tập trung thảo luận về cơ sở để thành lập một hệ thống cứu trợ tài chính lâu dài nhằm bảo vệ khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sau một năm đầy biến động.

Hội nghị được dự báo sẽ căng thẳng do bất đồng trong hai vấn đề: Tăng quy mô quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 750 tỷ euro của EU và Quỹ tiền tệ quốc tế và thành lập một thị trường trái phiếu chung cho Eurozone để giúp các nền kinh tế yếu trong khối có thể vay tiền với lãi suất thấp.

(Từ trái qua phải) Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Rumani Traian Basescu trước giờ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: AFP-TTXVN


Một số quốc gia như Bỉ muốn biến quỹ bình ổn tạm thời EFSF thành một quỹ lâu dài với quy mô lớn hơn. Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Didier Reynders, cho rằng cần phải chứng minh rằng châu Âu có đủ nguồn tài chính. Theo ông Reynders, phần đóng góp 440 tỷ euro của EU trong quỹ này nên tăng gấp đôi để gạt bỏ áp lực của thị trường đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha cũng ủng hộ ý tưởng mở rộng quỹ bình ổn. Trong khi đó, một số quốc gia theo đường lối cứng rắn mà dẫn đầu là Đức đã phản đối ý tưởng bơm thêm tiền vào quỹ EFSF với lý do đây chưa phải lúc khẩn cấp phải bơm thêm tiền. Một số nguồn tin nhận định, vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội nghị nhưng không hi vọng đạt được kết quả cụ thể nào.

Trong khi đó, ý tưởng thành lập thị trường trái phiếu chung (E-bond) của Thủ tướng Lúcxămbua Jean-Claude Juncker ngay khi xuất hiện trên báo chí đã bị Đức, với sự ủng hộ của Pháp, bác bỏ. Lý do là: Trái phiếu chung E-bond một mặt làm suy yếu nguyên tắc tài chính của các quốc gia, mặt khác sẽ ảnh hưởng đến người dân ở Đức. Trước khi diễn ra hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hãng tin Reuters biết, bà đã dàn xếp xong bất đồng với ông Juncker. Tuy nhiên, ông Juncker cảnh báo ông có thể vẫn sẽ nêu ý tưởng này để thảo luận tại hội nghị. Ông nhấn mạnh: "Cần có một phản ứng mang tính hệ thống đối với một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống".

Bài phát biểu tại hội nghị của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso được dự báo sẽ bao gồm lời cảnh báo lãnh đạo 27 nước EU về cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Cuộc khủng hoảng cần những hành động mới của toàn Eurozone và các biện pháp cụ thể của các nước thành viên nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực tài chính; nghĩa là những phản ứng "toàn diện, nhanh chóng và nhất quán".

Dự báo về kết quả hội nghị, hãng tin Reuters cho rằng, cũng như 6 hội nghị trước, các lãnh đạo EU sẽ lặp lại những tuyên bố kêu gọi đoàn kết trong giải quyết khủng hoảng mà không đưa ra được những giải pháp cụ thể. Điều đó sẽ khiến các thị trường hoài nghi và chất thêm nhiều áp lực lên đồng euro.

Thùy Dương (Tổng hợp)