08:12 11/08/2022

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nhiều đề xuất nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Sáng 11/8, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã phát biểu phản ánh tác động của tình hình thế giới đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp nhằm tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm của người lao động, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các doanh nghiệp phản ánh giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao; gánh nặng chi phí đang bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc thiếu hụt lao động, áp lực chi phí liên quan đến người lao động ngày càng tăng. Vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất, giảm đơn hàng cuối năm đang gia tăng, thị trường xuất khẩu có khả năng thu hẹp do các nước nhập khẩu đang gặp khó khăn, nhu cầu giảm. Các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển tăng nóng trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp nhà nước hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, cơ chế quản trị lạc hậu; phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu, thiếu doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế dẫn dắt; nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ trung bình, chủ yếu gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, việc tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn hạn chế, chậm và thậm chí chưa quan tâm nhiều đến chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng phản ánh, đề xuất một số vấn đề cụ thể liên quan đến từng lĩnh vực, doanh nghiệp. Theo đó:

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hóa chất…

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, vấn đề này liên quan đến xử lý nước thải mà nhiều địa phương cũng không mặn mà. Hiệp hội đề nghị các địa phương hỗ trợ, những khu công nghiệp đang tồn tại cũng không có vấn đề gì lớn; cần đảm bảo có nguồn vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng những lợi ích mà FDI mang lại. Về thuế giá trị gia tăng, ông kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quy định thuế cho sản phẩm dệt may xuất khẩu tại chỗ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, với quy mô hoạt động của Vietravel gồm 40 văn phòng ở trong nước và 6 văn phòng ở nước ngoài phục vụ 1 triệu khách một năm với doanh thu 7.500 tỷ đồng trước dịch thì trong dịch, doanh nghiệp gần như "đứng hoàn toàn". Nhưng đến nay sau 6 tháng mở cửa, doanh nghiệp đã phục hồi.

Ông Nguyễn Quốc kỳ cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là mức giảm VAT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm là 5%. Du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, do đó nên quan tâm và cho mức giảm cao hơn.

Bên cạnh đó, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Đề nghị phải xem lại chính sách này. Gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp, như doanh nghiệp du lịch không tiếp cận được, gặp nhiều rào cản. Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi.

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hàng không hiện nay là tình hình trên thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không. Giá xăng dầu ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh tuy đã có giảm những chưa hoàn toàn triệt tiêu, vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ cả quốc tế lẫn trong nước. Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Do đó, ông Phạm Việt Dũng kiến nghị, việc phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn; đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không; cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành.

Bên cạnh đó, cần sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới; tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho rằng, chúng ta đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng cảng biển như Hải Phòng, miền Trung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để tận dụng tối đa sức mạnh, hệ sinh thái thì việc hỗ trợ phát triển đội tàu là hết sức cần thiết. Vừa rồi giá cước tăng gấp 5-7 lần đều rơi vào túi các hãng vận tải biển nước ngoài.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ vấn đề này nhưng đấu thầu, mua sắm tàu hết sức khó khăn. Vận tải phải liên kết với hàng hóa, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn về xi măng, nhập khẩu than, chúng ta có thể giành 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề này thì các bộ, ngành nỗ lực thực hiện nhưng chưa đạt được vì nhiều lý do.

Liên quan hoạt động vận tải đường bộ, Chính phủ có nỗ lực hết sức cụ thể. Trong đó bình ổn giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng, cần tiếp tục bình ổn sau quý 2/2023. Theo ông, 60% chi phí logistics là liên quan vận tải đường bộ.

Với tình hình hiện nay, mặc dù đã kiểm soát dịch bệnh, những nguy cơ dịch bệnh mới, vấn đề mới tiềm tàng xảy ra, mong Chính phủ chỉ đạo sát sao, không để ảnh hưởng như đợt giãn cách xã hội năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, năm 2022, các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, bão giá vật liệu xây dựng, dịch bệnh, vướng mắc pháp lý trong xây dựng, tình hình vẫn còn khó khăn. Đáng chú ý, nợ đọng xây dựng là vấn đề lớn.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy chi trả, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó cần có chế tài xử lý lãi chậm trả. Về hợp đồng xây dựng, các nhà thầu phải có 4 bảo lãnh, trong khi các chủ đầu tư không có bảo lãnh nào cả, do đó cần xem xét lại cơ chế này. Đối với nguồn tín dụng và lãi suất, các doanh nghiệp bị nợ đọng, phải vay tín dụng ngân hàng và xây dựng không được ưu tiên; đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ngành xây dựng vào ưu tiên.

Theo ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), đối với ngành công nghiệp ô tô, để giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Do đó kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước được tính theo hướng: Giá trị sản xuất trong nước (tức là tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Văn Tài kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và giải đáp của các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ sẽ có phát biểu kết luận hội nghị. TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị.

Phạm Tiếp (TTXVN)