04:16 16/04/2015

Hội nghị mùa Xuân IMF-WB: Nghị sự không dễ dàng

Trong các ngày từ 17 đến 19/4, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng các nước trên thế giới sẽ nhóm họp tại Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở thủ đô Washington của Mỹ.

Trong các ngày từ 17 đến 19/4, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng các nước trên thế giới sẽ nhóm họp tại Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở thủ đô Washington của Mỹ. Dự báo tâm điểm của diễn đàn năm nay khả năng sẽ là việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và thành lập Ngân hàng đầu Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Kinh tế hồi phục chậm

Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi vừa phải và chưa đồng đều. Trước thềm diễn ra hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã cảnh báo về nguy cơ nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua tình trạng tăng trưởng thấp trong dài hạn đi kèm với nợ công cao và thất nghiệp nếu các nhà hoạch định chính sách không sớm có kế hoạch để đảo ngược thực trạng này. Nhà lãnh đạo IMF cũng nhận định mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,4% trong năm ngoái là phù hợp với mức trung bình trong ba thập kỷ qua, song tốc độ tăng trưởng khiêm tốn này không đủ để "chữa lành vết thương" do cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2009 gây ra khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ vẫn cao ở mức 50% tại một số nước.

Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB luôn thu hút sự chú ý của dư luận.



Hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 2 cảnh báo tăng trưởng ì ạch và chính sách tiền tệ khác biệt giữa các nền kinh tế lớn có thể khiến năm 2015 là một năm khó khăn cho kinh tế thế giới. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF cũng đã hạ 0,3% dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm sau, xuống các mức tăng tương ứng 3,5% và 3,7%, do triển vọng kém hơn của kinh tế Trung Quốc, Nga và Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Điểm nóng nghị sự

Trong bối cảnh kém sáng sủa đó, việc FED dự báo sẽ bắt đầu nâng lãi suất cơ bản hiện ở mức gần như 0% áp dụng từ tháng 12/2008 đang khiến các quốc gia thành viên của IMF và WB bày tỏ quan ngại bởi những hệ lụy của quyết định này đối với các thị trường tài chính, khiến nguy cơ bất ổn gia tăng. Hội nghị lần này chính là dịp để các nhà hoạch định chính sách kinh tế trên thế giới thảo luận và đưa ra những đề xuất nhằm giúp các nước trên thế giới có các biện pháp đối phó và hạn chế tối đa những tác động của việc tăng lãi suất ở Mỹ.

Kế hoạch điều chỉnh lãi suất cơ bản mà FED áp dụng suốt hơn 7 năm qua được dự đoán sẽ tác động mạnh đến mọi lĩnh vực từ đầu tư kinh doanh đến lãi suất tiền vay tại nền kinh tế đầu tàu thế giới. Ngoài ra, lãi suất cơ bản tăng cũng sẽ đẩy đồng USD tăng giá mạnh so với các ngoại tệ khác và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến ngoại thương của các nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng nữa là khi lãi suất tại Mỹ tăng thì các khoản vay bằng đồng USD sẽ đắt hơn và gây khó khăn cho các nước đã vay quá nhiều USD khi giá đồng bạc xanh còn rẻ. Đối với các nền kinh tế mới nổi và châu Á, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến những nước này có nguy cơ đối mặt với tình trạng "chảy máu" vốn do dòng vốn đầu tư có xu hướng quay trở lại các nền kinh tế phát triển để tìm kiếm sự an toàn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động đặc biệt tại các nước đang phát triển, khiến những quốc gia này đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế và xã hội.

Bên cạnh vấn đề lãi suất tại Mỹ, việc thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng với vốn ban đầu 100 tỷ USD cũng dự kiến sẽ trở thành tâm điểm tại Hội nghị lần này trong bối cảnh Washington, dù tuyên bố ủng hộ, nhưng vẫn không che giấu được sự quan ngại về định chế tài chính mới này sẽ trở thành một đối trọng với các tổ chức tài chính truyền thống của thế giới hiện do Mỹ chi phối như IMF và WB. Ngay từ khi AIIB ra đời hồi tháng 10/2014 dưới sự bảo trợ của Trung Quốc với sứ mệnh thúc đẩy đầu tư tại các nước đang phát triển ở châu Á, Mỹ đã phản đối mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi các đồng minh “cân nhắc kỹ” trước khi ký tham gia. Trái ngược với lời kêu gọi của Mỹ, hơn 40 nước đã đăng ký tham gia AIIB, trong đó có các đồng minh lớn của Mỹ như Anh, Australia và Hàn Quốc.

Giới chuyên gia nhận định trong bối cảnh thế giới ngày nay đang được củng cố bởi một trật tự đa cực với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển trong thương mại và tài chính quốc tế, đã đến lúc Mỹ cần từ bỏ hào quang và có những nhượng bộ nhất định để chia sẻ diễn đàn quốc tế với các gương mặt mới. Chính vì lẽ đó, hội nghị sắp tới của IMF và WB, hai thể chế mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đang chi phối, là một cơ hội lý tưởng để thực hiện điều này.

Bên cạnh đó, sự ra đời của AIIB cũng đặt ra yêu cầu đối với IMF và WB cần có sự điều chỉnh và thay đổi để phù hợp với thực tế và hội nghị lần này cũng là dịp để các nước thành viên thảo luận và thúc đẩy những cải cách trong hai thể chế tài chính lâu đời này. Từ lâu, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại châu Á, đã tỏ ra không mấy hài lòng với hai thể chế tài chính này bởi các khoản vay thường đi kèm với các điều kiện ngặt nghèo. Trong khi đó, các nước đang phát triển hầu như không có tiếng nói trong các thể chế trên. Điều này hết sức bất cập khi thực tế, các nền kinh tế đang phát triển đang ngày càng vững chân trong nền kinh tế thế giới. Từ góc nhìn này, AIIB ra đời đặt thêm gánh nặng đẩy mạnh cải cách đối với IMF và WB. Rõ ràng, để hệ thống quốc tế do Washington khởi xướng và định hình hiện nay “sống sót” trước những đổi thay lớn đang diễn ra trên thế giới, bản thân Mỹ cần phải đạt được sự đồng thuận trong việc cải cách các thể chế tài chính nhằm đảm bảo các nước thành viên cũng được hưởng các cơ hội ở trong đó.

Kế hoạch tăng lãi suất của Fed và sự ra đời của AIIB đều là hai vấn đề đáng chú ý bởi cả hai vấn đề này đều tác động không nhỏ đến các thể chế tài chính nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Điều quan trọng là các nước tìm kiếm các biện pháp giảm hệ lụy tiêu cực cũng như thúc đẩy cải cách IMF-WB trên cơ sở đảm bảo cân bằng lợi ích của các nước thành viên.

Phương Oanh