11:09 16/11/2010

Hội nghị "19+1" và sự thất thế của Mỹ

Đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua tại Xơun (Hàn Quốc), tờ "Minh báo" của Hồng Công (Trung Quốc) cho rằng, đây là hội nghị "19+1" và các nước mới nổi đã giành thắng lợi trong việc chống lại sức ép của Mỹ.

Đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua tại Xơun (Hàn Quốc), tờ "Minh báo" của Hồng Công (Trung Quốc) cho rằng, đây là hội nghị "19+1" và các nước mới nổi đã giành thắng lợi trong việc chống lại sức ép của Mỹ.



Toàn cảnh Hội nghị  Hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Theo "Minh báo", "G-19+1" là một hội nghị thượng đỉnh chống Mỹ hiếm thấy. Qua "Tuyên bố Xơun" có thể thấy chủ trương của Mỹ không phù hợp với các nước khác; Mỹ đã bị mất cả tầm ảnh hưởng cũng như sự tin tưởng của các nước. Đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ khiến cho Tổng thống Obama gặp khó khăn trong việc đưa ra các sách lược tại Hội nghị G-20. Dưới sức ép của các nước như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản, Mỹ đã phải từ bỏ chủ trương đề ra hạn định về tỷ trọng giữa mức nợ thường xuyên với GDP của các nước. Mặc dù ông Obama đã biện hộ việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ thúc đẩy chính sách nới lỏng lượng hóa lần 2 (QE2), song vẫn không gạt bỏ được mối nghi ngại của các nước đối với sự phá giá của đồng USD. Các quan chức Trung Quốc nhiều lần phản đối Mỹ không nên chỉ tính toán đến lợi ích của mình khi thúc đẩy các chính sách kinh tế. Đức cũng chỉ trích Mỹ không coi trọng việc tự nâng cao sức cạnh tranh, đi theo sách lược phát triển kinh tế sai lầm. Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc dám phản đối Mỹ trong vấn đề tỷ giá tại hội nghị lần này là điều rất đáng quan tâm. Trung Quốc đã biết dựa vào thực lực kinh tế hùng hậu của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, vận dụng biện pháp liên kết với nhiều bên để hóa giải áp lực từ Mỹ.

Theo "Minh báo", Hội nghị G-20 kết thúc trong bối cảnh các nước vẫn còn nhiều tranh chấp. Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục đối đầu trong vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ. "Tuyên bố Xơun" đã chỉ ra những nguy cơ tồn tại của nền kinh tế thế giới, nhưng lại không đưa ra được biện pháp cụ thể nào.

Về vấn đề mất cân bằng thương mại, tuyên bố đã đưa ra một chỉ dẫn hết sức bình thường, các chi tiết còn đợi bộ trưởng tài chính của các nước thảo luận vào năm tới. Tính chất và phạm vi sử dụng của chỉ dẫn cũng không được nói rõ. Trong vấn đề tiền tệ, mâu thuẫn lớn nhất giữa tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G-20 với tuyên bố Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 là đưa ra cảnh báo về việc bảo vệ thị trường tiền tệ quốc tế trước sự tấn công của dòng tiền nóng, bật đèn xanh cho các nước mới nổi áp dụng các biện pháp ngăn chặn dòng tiền nóng. Các nhà quan sát cho rằng vấn đề tỷ giá tiền tệ tại hội nghị này dường như đã hạ nhiệt, song cuộc chiến tỷ giá vẫn chưa thể kết thúc.

Tờ "Minh báo" nhận định trong tương lai, G-20 có thể bị phân hóa và phải tái tổ chức. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ từng bước phục hồi, những yêu cầu "trừng phạt Mỹ" suy yếu dần, nền kinh tế thế giới sẽ xuất hiện một cục diện mới: Kinh tế Mỹ sẽ trở thành "bên hưởng lợi" trong hợp tác G-20, châu Âu ngược lại sẽ trở thành "bên bị hại" của thời kỳ hậu khủng hoảng, các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục là "các bên tham gia" của G-20. Nếu sau khi hồi phục kinh tế, Mỹ không cần dựa vào vũ đài G-20 nữa, diễn đàn này (vốn lấy trọng tâm xuất phát điểm là cứu vãn khủng hoảng tiền tệ) sẽ có sự thay đổi lớn về hướng đi và đối mặt với những thách thức lớn.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)