02:14 24/02/2015

Hội Gióng đền Sóc tưng bừng khai mạc

Ngày 24-2, mùng 6 tháng Giêng, Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) chính thức khai mạc và Đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt dành cho quần thể kiến trúc khu di tích đền Sóc và đón nhận Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng đạt kỷ lục Việt Nam.

Ngày 24-2, mùng 6 tháng Giêng, Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) chính thức khai mạc cùng sự kiện đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt dành cho quần thể kiến trúc khu di tích đền Sóc và Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng đạt kỷ lục Việt Nam.


Trao bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.


Hội Gióng năm nay được UBND huyện Sóc Sơn tổ chức trong niềm vui hân hoan, khi quần thể khu di tích đền Sóc vinh dự là một trong 14 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 5. Cùng với lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, BTC sẽ thực hiện nghi thức đón Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng lớn nhất Việt Nam".


Là một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời.


Để tưởng nhớ công đức của ngài, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hằng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng.


Quần thể khu di tích đền Sóc thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội), bao gồm 6 công trình: Đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), Tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa…


Phần lễ của hội đền Sóc được mở đầu bằng lễ dâng hương, sau đó là lễ rước truyền thống của 8 đoàn rước thuộc các thôn, xã lân cận khu vực đền Sóc.


Hình ảnh trong lễ hội:



Lễ rước giò hoa tre.


Người dân lao vào tranh cướp hoa tre để cầu may.


Lễ rước ông ngựa và ông voi trong lễ hội.

Sau giò hoa tre, giò trầu cũng bị cướp lấy may.

Thanh niên này hồ hởi sau khi cướp được dây trầu.

Lễ rước cỏ voi của thôn Yến Sào, xã Xuân Giang.


Lễ rước tướng.


Lễ hội thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi tham gia.


Lê Phú