09:17 07/09/2015

Hội chứng nghiện smartphone lây lan toàn châu Á

Hội chứng Nomophobia (hay còn gọi là chứng ám ảnh khi không có điện thoại bên cạnh) đã xuất hiện trong các cuộc thảo luận y khoa trong nhiều năm trở lại đây. Ở một số nước, các chuyên gia tâm lý còn xếp chúng vào một loại bệnh “rối loạn thần kinh” và lập hẳn phòng khám chữa trị.


Tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), trên vỉa hè còn có những dòng cảnh báo "Hãy chú ý bước đi của bạn” kèm theo hình ảnh một chiếc điện thoại.


Ở châu Á – nơi khai sinh ra các xu hướng liên quan đến điện thoại thông minh như gậy tự sướng, bộ icon biểu tượng cảm xúc…, nhiều nhà tâm lý nhận thấy chứng nghiện điện thoại đang lây lan với tốc độ chóng mặt, và các đối tượng bị nghiện cũng ngày một nhỏ tuổi hơn.


Theo một nghiên cứu gần đây tại Hàn Quốc - nơi mà 72% trẻ em trong độ tuổi 11-12 có sử dụng điện thoại trung bình 5,4 giờ một ngày, trong gần 1.000 học sinh tham gia khảo sát thì có đến 25% trẻ em bị mắc chứng nghiện điện thoại. Nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng stress là dấu hiệu chính cho thấy một người bị mắc chứng bệnh này. Nữ sinh Emma Yoon, 19 tuổi, đã được đưa đi chữa chứng Nomophobia từ tháng 4/2013. “Điện thoại đã trở thành cuộc sống của em. Em bồn chồn, hoang mang, bàn tay ướt sũng mồ hôi nếu như tay không cầm điện thoại. Thậm chí em sẽ không đi bất cứ đâu nếu không có điện thoại bên mình”. Bố mẹ cô bé cho biết chứng nghiện điện thoại cũng làm cho Yoon sao nhãng các thú vui khác và các hoạt động ở trường học.


Việc giới trẻ hiện nay quá mải mê với chiếc điện thoại của mình mọi lúc mọi nơi đã gây ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Tại Đài Loan (Trung Quốc) là câu chuyện về một hành khách được cứu sau khi rơi khỏi tàu vì say mê ngồi xem Facebook. Hay như một phụ nữ Trung Quốc đến từ tỉnh Tứ Xuyên bị hụt chân xuống cống thoát nước vì không để ý đường đi do quá mải tâm với chiếc điện thoại.


Tổng thống Narendra Modi của Ấn Độ dùng mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận với công chúng.


Nằm trong khu vực châu Á với 2,5 tỉ người dùng điện thoại, Singapore không phải là một ngoại lệ. Với dân số chỉ có 6 triệu người, quốc gia này là một trong những nước có tỷ lệ người mắc chứng nghiện điện thoại cao nhất thế giới. Thậm chí Singapore còn có hẳn đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chứng bệnh này và thành lập một trung tâm y tế chữa các bệnh liên quan tới công nghệ.


“Trẻ em không đủ khả năng để có thể tự mình kiểm soát việc dùng điện thoại”, Chong Ee-Jay – giám đốc y tế phòng khám Touch Cyber Wellness Centre (Singapore) cho biết. “Trong khi đó, trẻ em tại đây lại được tiếp cận với smartphone từ nhỏ, thậm chí nó trở thành phương tiện học tập, khi mà bài tập về nhà phải thường xuyên gửi qua WhatsApp – một ứng dụng trên điện thoại”.


Theo nhiều kết quả nghiên cứu, những người sử dụng điện thoại như phương tiện truyền thông thì sẽ dễ bị nghiện hơn. Loại thiết bị này được coi là phương tiện duy nhất để kết nối, tạo mối liên lạc giữa người với người. Tại một số nước châu Á, vì việc học hành rất mệt mỏi, cũng như chiếm nhiều thời gian trong ngày của học sinh, nên những em này chỉ có còn cách liên lạc, nói chuyện với bạn bè qua điện thoại. Chính vì điện thoại đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng mối quan hệ đối với các em, nên khi không có điện thoại bên cạnh, học sinh sẽ trở nên mất phương hướng, và khó có thể lấy lại các cách giao tiếp thông thường.


Người biểu tình ở Hong Kong dùng điện thoại thắp sáng cả một khu vực.


Trước tình trạng giới trẻ ngày càng đắm chìm vào chiếc điện thoại, đã có nhiều nước đưa ra luật hạn chế sử dụng smartphone. Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra một ứng dụng gây nhiều tranh cãi có thể kiểm soát việc dùng điện thoại di động của giới trẻ, đồng thời cũng áp đặt một loạt biện pháp từ năm 2011 cấm trẻ em chơi game trực tuyến sau nửa đêm.


Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mở các trại cai nghiện điện thoại theo phong cách quân đội. Cố vấn tâm lý Thomas Lee cho rằng các nước khác tại châu Á cũng nên phân loại bệnh nghiện smartphone như một chứng “rối loạn thần kinh”. “Smartphone ảnh hưởng đến tâm trạng của một người gần giống thuốc phiện. Khi không được tiếp xúc với điện thoại, các con nghiện sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu, thậm chí tức giận”, giáo sư Lee cho biết.


Tuy nhiên phe phản đối cho rằng mọi người đang nghiêm trọng hóa vấn đề. Giáo sư Marlene Lee cho biết việc nghiện công nghệ cũng chỉ là một phần trong xu hướng hiện đại. Ông cho rằng các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng. Nhà tâm lý Adrian Wang chia sẻ ông tư chối không chẩn đoán chứng nghiện như thế này để tránh “y học hóa các vấn đề xã hội”.


Hồng Hạnh (theo BBC)