10:10 11/10/2012

Học viện Âm nhạc Huế chú trọng đào tạo loại hình âm nhạc di sản

“Sau 5 năm hình thành và phát triển Khoa âm nhạc di sản thuộc Học viện Âm nhạc Huế, có thể nói, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam đào tạo nhã nhạc cung đình hệ đại học” - TS. Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết.

“Sau 5 năm hình thành và phát triển Khoa âm nhạc di sản thuộc Học viện Âm nhạc Huế, có thể nói, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam đào tạo nhã nhạc cung đình hệ đại học” - TS. Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết.


Hiện nay, Khoa Âm nhạc di sản là nơi duy nhất ở Việt Nam đào tạo Nhã nhạc cung đình, đàn - ca Huế, đàn - hát dân ca Việt Nam từ trung cấp lên đại học. Khoa cũng đang xây dựng giáo trình đào tạo cồng chiêng theo hướng bảo tồn tại cộng đồng và phát huy lợi thế biểu diễn trong nước và quốc tế, tập trung nghiên cứu sâu âm nhạc Chăm Pa, Hô bài chòi Bình Định, Hát Bả trạo các tỉnh duyên hải Trung bộ, ca - đàn Huế, hát ví dặm Nghệ Tĩnh... Học viện cũng thường xuyên mời các nghệ nhân tham gia giảng dạy, nghiên cứu và biểu diễn.


Năm 2012, Khoa Âm nhạc di sản đã đoạt Huy chương vàng tác phẩm "Tứ tuyệt: Tranh - Bầu - Nhị - Nguyệt, hòa tấu bài Nam Bình" trong Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất tại thành phố Huế. Dàn Nhã nhạc thường xuyên biểu diễn vào các ngày nghỉ cuối tuần tại Nghinh Lương Đình được du khách trong và ngoài nước yêu mến, dư luận xã hội đánh giá cao. Bên cạnh đó, học viện đang thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ: "Bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật đàn - ca Huế". Học viện đã xuất bản được 5 đầu sách chuyên môn về âm nhạc có giá trị. Tháng 6/2012, Học viện cũng đã ký kết hợp tác với nhạc viện Trung Quốc để cùng trao đổi nghiên cứu về Nhã nhạc, đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Dân tộc nhạc học.


Đến nay, Học viện Âm nhạc Huế đã có 54 chuyên ngành đào tạo; trong đó có 34 chuyên ngành đại học, sau đại học và 30 chuyên ngành trung cấp, với trên 2.000 sinh viên, đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc di sản truyền thống trong khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.


Quốc Việt