05:08 15/05/2020

Học và làm theo Bác từ những điều giản dị

Với bà Nguyễn Thị Nguyệt, việc sưu tập những hình ảnh về Bác và vận động mọi người tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cách thể hiện tình cảm sâu sắc đối với Người.

Hai lần được gặp Bác Hồ

Trong những ngày giữa tháng 5 nóng bức của thời tiết TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh) vào một buổi trưa, bà đón tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng với nụ cười hiền từ, phúc hậu. Mọi mệt mỏi của chúng tôi do trời nắng gắt bỗng dưng tan biến, câu chuyện về việc sưu tập ảnh Bác Hồ cứ thế tuôn chảy miên man.

Chú thích ảnh
Dù đã 86 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt vẫn khá minh mẫn và vui vẻ khi kể chuyện về việc sưu tập ảnh Bác Hồ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt tâm sự, trong cuộc đời của bà, bà rất vinh dự khi được gặp Bác Hồ hai lần. Vào năm 1955, trong lần đến thăm cán bộ đang điều trị tại Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Việt - Xô), bà đã may mắn được gặp Bác khi Người đến thăm bà Hồ Thị Bi. Tuy chỉ nhìn thấy Bác, nhưng hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu vẫn luôn in đậm trong tâm trí của bà. Đến năm 1959, trong một lần Bác về thăm Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng thì cuộc gặp gỡ ấy đã khiến bà ấn tượng và nhớ mãi.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi được thông báo có đoàn cán bộ Trung ương đến thăm trường nhưng được giữ kín thông tin nên chúng tôi không biết là ai. Khi đó, tôi là đội viên thanh niên cờ đỏ của trường và tôi được vinh dự đứng ở ngoài mở cửa cho đoàn xe của Bác vào trường. Nhìn thấy Bác từ trên xe bước xuống, tôi đã không khỏi xúc động và liền chạy đến ôm chầm lấy Bác, nước mắt cứ tuôn trào ra, trong lòng dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Bác ở lại trường nói chuyện với mọi người khá lâu và hình ảnh một vị lãnh tụ gần gũi luôn ân cần thăm hỏi mọi người đã khắc sâu trong tâm trí của tôi”.

Chú thích ảnh
Có kiến thức về lưu trữ nên bà Nguyễn Thị Nguyệt sắp xếp các bức ảnh khoa học theo từng mốc thời gian cụ thể.

Sau đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt còn có cơ duyên khi được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Lăng Bác. Bà Nguyễn Thị Nguyệt tâm sự: "Tháng 9/1969, cả nước đang đau buồn về sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, Bộ Chính trị cũng đã quyết định xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Với thành tích công tác tốt, tôi được Ủy ban Thể dục thể thao cử tham gia xây dựng Lăng Bác. Suốt 2 năm tham gia xây dựng, tôi và mọi người đã lao động hết mình với sự trân trọng và nghiêm túc để tỏ lòng kính nhớ Bác Hồ vĩ đại. Đây cũng là vinh hạnh nhất của đời của tôi sau hai lần gặp gỡ Bác Hồ kính yêu".

Khắc sâu trong tim hình ảnh Bác Hồ

Bà Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ, việc sưu tập ảnh Bác được bà thực hiện từ khi đi học ở nước ngoài đến khi chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Khi còn làm việc, công việc sưu tập bị gián đoạn do bà Nguyệt không có nhiều thời gian sưu tầm hình ảnh và tư liệu về Bác, tuy nhiên đến khi bà nghỉ hưu (năm 1996), bà lại tiếp tục công việc dang dở và không ngừng tìm kiếm thông tin, hình ảnh trên khắp cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài để có những bộ ảnh độc đáo về Bác Hồ.

Chú thích ảnh
Chiếc tủ sắt đang chứa gần 3.000 bức ảnh về Bác Hồ được bà Nguyễn Thị Nguyệt xem như tài sản vô giá.

“Sau khi nghỉ hưu, tôi có đưa người cháu đi tham quan Cảng Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nay là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. Khi về nhà, cháu của tôi muốn tìm hiểu thêm thông tin về Bác nhưng lượng thông tin về Bác Hồ khi đó không nhiều. Vì vậy, tôi đã quyết tâm dành hết tâm sức, thời gian của mình để tiếp tục công việc sưu tầm các hình ảnh, chân dung và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trước còn dang dở. Tính đến nay, tôi đã có gần 3.000 tấm ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hơn 400 quyển sách có nội dung liên quan đến Bác Hồ”, bà Nguyễn Thị Nguyệt nói.

Sau câu chuyện về cơ duyên gặp Bác Hồ và sưu tập ảnh Người, bà Nguyễn Thị Nguyệt đã dẫn chúng tôi lên tham quan căn phòng nhỏ trên tầng 3 của gia đình. Bà Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, gia đình bà dành nơi này làm không gian riêng để lưu giữ những hình ảnh và tư liệu viết về Bác Hồ. Nhìn xung quanh căn phòng nhỏ, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tấm ảnh của Bác và những cuốn sách viết về Bác được bà cất giữ cẩn thận, trang trọng trong chiếc tủ gỗ, tủ sắt…

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Nguyệt sưu tập ảnh Bác Hồ để tỏ lòng kính yêu đối với Bác Hồ và cũng để dành cho thế hệ lớp trẻ một khối tài liệu quý giá bằng ảnh nói về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ. 

Bà Nguyệt chia sẻ: “Để có được bộ sưu tập đồ sộ về ảnh Bác, tôi phải mất rất nhiều thời gian, đi đến nhiều cửa hàng sách khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, khi bà đi đến đâu mọi người cũng giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình khi biết bà đang sưu tập ảnh Bác Hồ. Đến nay, bà đã có trong tay không ít bức ảnh có một không hai tại Việt Nam nói về Bác, như bức ảnh Bác Hồ được dệt bằng vải do nước bạn Trung Quốc tặng, bức ảnh Bác Hồ chụp với con gái của ông Tổng thống Indonesia năm 1957, thẻ cử tri của Bác Hồ Chí Minh được cấp năm 1965…”.

Mặt khác, với kiến thức từ các môn học trong ngành văn thư lưu trữ và kinh nghiệm khi còn làm ở Bộ Văn hóa - Thể thao, bà Nguyệt đã hệ thống và sắp xếp những ảnh của Bác Hồ rất khoa học và theo từng mốc thời gian cụ thể để người xem dễ tìm hiểu mọi thông tin về Bác Hồ.

Chú thích ảnh
Trên tầng ba của nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt cũng có những chiếc tủ đựng nhiều cuốn sách quý giá viết về Bác Hồ. 

“Tôi sắp xếp như vậy để con cháu của tôi và mọi người sau này có thể hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, từ một thanh niên với hoài bão lớn đã bôn ba hải ngoại để tìm chân lý giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước cho đến khi làm Chủ tịch nước”, bà Nguyễn Thị Nguyệt nói.

 

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Nguyệt với bức ảnh được dệt bằng chất liệu vải rất tinh xảo.

“Tôi đã trao tặng 1.800 tấm ảnh tư liệu sưu tầm về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP Hồ Chí Minh)”, bà Nguyễn Thị Nguyệt nói.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức