05:11 14/05/2025

Bài học thiết thực từ việc gần dân, sát dân

Trong lịch sử hào hùng của tỉnh Hưng Yên, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, để lại dấu ấn sâu đậm qua 10 lần Người về thăm làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Những lời huấn thị của Bác trong những chuyến công tác đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị trong việc “lấy dân làm gốc”, phát huy sức mạnh toàn dân xây dựng Hưng Yên ngày thêm thịnh vượng.

Biểu tượng của ý chí cách mạng

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số lãnh đạo tỉnh thăm công trường đào sông Triều Dương, ngày 5/1/1958. Ảnh tư liệu

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm sâu sắc đến Hưng Yên, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi có truyền thống yêu nước, cách mạng, hiếu học và cần cù lao động. Từ năm 1946 đến 1966, Người đã 10 lần trực tiếp về thăm, nói chuyện và căn dặn, trong đó có 4 chuyến thăm công trường đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải vào các năm 1958 và năm 1959; gửi 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ, quân và nhân dân Hưng Yên.

Mỗi lần Bác về thăm đều gắn liền với những vấn đề thiết thực của địa phương: Thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, chấn chỉnh bộ máy chính quyền, khích lệ tinh thần học tập, lao động và đoàn kết toàn dân... Đó là những lần Người đến thị xã Hưng Yên để chỉ đạo công tác diệt giặc đói, củng cố chính quyền cách mạng; dự, động viên cán bộ, nhân dân Hưng Yên làm thủy lợi, chống hạn, phòng lụt tại thị xã Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Văn Lâm, huyện Văn Giang; hay thăm, động viên cô và trò lớp mẫu giáo thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động...

Xưa nhiều huyện của Hưng Yên luôn ở tình trạng “chiêm khê mùa thối”, cấy, cày không thuận lợi; việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên. Để “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, Trung ương mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy quyết định đào hệ thống sông Bắc Hưng Hải để làm chủ nguồn nước. Đây là điều kiện tiên quyết để ổn định sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi quy mô lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, trải dài trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh nhằm cấp nước, tiêu úng, phục vụ sản xuất nông nghiệp và chống hạn lâu dài.

Được thực hiện trong thời kỳ cả nước bước vào công cuộc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Miền Nam, công trình Bắc Hưng Hải là một biểu tượng của ý chí tự lực, tự cường, hiện thực hóa khát vọng vươn lên làm chủ thiên nhiên. Việc đào kênh không thực hiện bằng máy móc, mà chủ yếu bằng dụng cụ thô sơ, cuốc xẻng, sức người. Hàng vạn thanh niên, bộ đội, công nhân và nhân dân tỉnh Hưng Yên và từ nhiều tỉnh đã tham gia với khí thế “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.

Ngày 20/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Bắc Hưng Hải lần thứ nhất. Sau đó, Người thăm công trường 3 lần nữa, trong các ngày 16/10/1958, ngày 25/10/1958 và ngày 20/2/1959. Tại đây, Người đã dành nhiều thời gian thị sát công trình, trò chuyện, chỉ đạo, động viên, căn dặn cán bộ, công nhân đang thi công.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trưởng các ban, ngành của tỉnh, ngày 5/1/1958. Ảnh tư liệu

Bác Hồ đã chọn thời điểm cuối năm 1958, đầu năm 1959 giữa lúc khí thế thi đua lao động đang sục sôi để đến với công trường, thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là việc đưa khoa học - kỹ thuật vào phục vụ sản xuất. Tại đây, Người căn dặn: “Phải đào sâu, đắp cao, chống úng, chống hạn, để đồng ruộng có nước thì cây lúa mới tốt, đời sống nhân dân mới khá lên được”.

Không chỉ là lời căn dặn về kỹ thuật, tư tưởng của Bác còn toát lên triết lý phát triển toàn diện: Lấy con người làm trung tâm, lấy dân làm gốc và xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ hạ tầng thiết yếu, trong đó thuỷ lợi giữ vai trò then chốt. Bác cũng nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường: “Công trình này không chỉ có giá trị vật chất mà còn là biểu tượng của tinh thần cách mạng, là nơi để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thi đua, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành”.

Những chuyến thăm công trường Bắc Hưng Hải không chỉ đơn thuần là sự kiện, mà còn là sự khẳng định tầm vóc tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong bối cảnh Miền Bắc đang chuyển từ thời kỳ kháng chiến sang xây dựng hoà bình, Bác đã sớm nhận thức rằng muốn độc lập thật sự, nhân dân phải được ấm no; muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp.

Việc trực tiếp đến với công nhân, kỹ sư, cán bộ đang thi công trên công trường thể hiện phong cách lãnh đạo gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân của Bác. Người không chỉ nói mà còn làm, không đứng ngoài cuộc mà luôn tiên phong trong từng phong trào. Hình ảnh Bác Hồ giản dị giữa đại công trường, lội bùn, bắt tay từng người thợ, đã trở thành biểu tượng của tinh thần và khơi dậy động lực lớn lao trong hàng vạn trái tim.

Với Hưng Yên, nhân dân trong tỉnh không chỉ đón Bác bằng sự nồng hậu, mà còn lấy đó làm kim chỉ nam trong suốt quá trình phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân về sau. Không lâu sau những chuyến thăm của Người, tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực, phấn đấu từ một tỉnh đói, nghèo, đến đầu những năm 1960 không những đủ gạo ăn mà còn thừa thóc bán cho nhà nước; chỉ tính riêng vụ mùa năm 1960 tỉnh thừa 2 vạn tấn thóc.

Những thành tựu của Hưng Yên trong lĩnh vực thuỷ lợi, sản xuất lúa gạo, rau màu và cây ăn quả đều mang dấu ấn từ tinh thần mà Bác để lại trong chuyến thăm ấy. Ngày nay, mặc dù tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ngày càng tăng trong cơ cấu kinh tế song Hưng Yên vẫn là tỉnh có nền nông nghiệp phát triển cao, trong tốp đầu của cả nước.

Những bài học còn nguyên giá trị

Chú thích ảnh
Ông Trương Văn Lành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên (áo trắng) giới thiệu những bức ảnh Bác về thăm Hưng Yên tại tại Nhà lưu niệm Bác Hồ, ở thành phố Hưng Yên. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên Trương Văn Lành, từ những chuyến thăm công trường Bắc Hưng Hải cũng như các lần Bác Hồ về thăm Hưng Yên, tỉnh có thể rút ra nhiều bài học sâu sắc cho hôm nay và mai sau.

Trước hết là bài học về tầm nhìn chiến lược: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn chặt mục tiêu chính trị với nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội. Người dạy rằng, không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những lời kêu gọi suông, mà phải bằng những công trình cụ thể, gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân. Từ đó, mỗi địa phương, mỗi cán bộ  phải biết đặt lợi ích của nhân dân làm trung tâm, lên trên hết, trước hết trong mọi kế hoạch phát triển.

Bài học về sự gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, là cán bộ phải sâu sát thực tiễn. Bác Hồ luôn căn dặn cán bộ phải "Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin". Chuyến thăm Bắc Hưng Hải không chỉ để thị sát công trường, mà còn là để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó đưa ra những chỉ đạo đúng, trúng, kịp thời. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì phương pháp lãnh đạo “gần dân, sát việc” vẫn còn nguyên giá trị.

Công trình Bắc Hưng Hải được hoàn thành nhờ sự chung sức đồng lòng của hàng vạn người dân 4 địa phương, trong đó có Hưng Yên. Trong những lần về thăm Hưng Yên, Người luôn nhắc nhở phải đoàn kết toàn dân: “Mọi người phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với dân công, giữa dân công với dân công, giữa cán bộ và dân công với đồng bào địa phương”. Người khích lệ, động viên: “Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”. Từ những nội dung trên, thấy tư tưởng huy động toàn dân tham gia kiến thiết đất nước không chỉ phù hợp trong thời chiến, mà càng cần thiết trong thời bình – khi mọi sự đổi thay đều phải dựa vào lòng dân, sức dân và trí tuệ dân tộc.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh, mỗi lần Bác Hồ về thăm Hưng Yên là một lần Người để lại bài học sâu sắc về tư duy, đạo đức và phương pháp cách mạng, tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho quân và nhân dân Hưng Yên. Trong đó, những chuyến thăm công trường Bắc Hưng Hải là minh chứng sống động cho tầm nhìn, tâm huyết và tình yêu thương vô hạn của Bác Hồ với người dân lao động và sự nghiệp phát triển nông nghiệp nước nhà.

Chú thích ảnh
Nhà lưu niệm Bác Hồ nằm trong khuôn viên Hồ Bán Nguyệt, thành phố Hưng Yên, đây là nơi khi xưa, Bác đã nghỉ trưa trong lần về thăm Hưng Yên. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

“67 năm đã trôi qua kể từ những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Bắc Hưng Hải, nhưng tinh thần ấy, tình cảm ấy vẫn còn mãi trong lòng mỗi thế hệ người con Hưng Yên. Noi gương Bác, người dân Hưng Yên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng mà Người đã gửi gắm”, ông Trương Văn Lành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên nói.

Ông Trương Văn Lành cũng cho biết thêm, trong bối cảnh tinh giản bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp với nhiều công việc bộn bề, song Hưng Yên vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt trên 10%, cao hơn trung bình chung của cả nước. Điều đó khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn, thể hiện thế và lực của mảnh đất Phố Hiến xưa và Hưng Yên ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ, cực tăng trưởng của các tỉnh, thành phía Bắc.

Mạnh Khánh (TTXVN)