08:08 29/08/2020

Học thuyết cường quốc biển đẩy Thổ Nhĩ Kỳ leo thang tranh chấp ở Địa Trung Hải

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn vẽ lại đường ranh giới trên biển ở Địa Trung Hải. Là hai đồng minh của NATO, nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lại đang huy động lực lượng hải quân đối đầu nhau.

Chú thích ảnh
Tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ trên Địa Trung Hải. Ảnh: AFP/TTXVN

Học thuyết “Đất nước Xanh dương” xác lập vị thế cường quốc biển

Tháng 6/2006, Cem Gurdeniz, Cục trưởng Cục kế hoạch Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đệ trình quan điểm chính sách đối ngoại mà hầu như lúc đó không nhận được nhiều lời hưởng ứng, bởi nó mang sắc thái quá gàn dở và hiếu chiến. 

Trong bài phát biểu ở Ankara, ông Gurdeniz kêu gọi thực hiện bành trướng ở Địa Trung Hải, cho rằng chính quyền cần vẽ lại được biên giới, sẵn sàng viện đến vũ lực nếu cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, chính trị của quốc gia. Gurdeniz gọi kế hoạch của mình là “Mavi Vatan”, trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “Đất nước Xanh dương”. “Tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên thành một cường quốc biển thực sự”, ông nói qua trong một buổi trả lời phỏng vấn qua Skype. 

Lý do do giới lãnh đạo Ankara không tiếp nhận đề xuất này một cách nghiêm túc là vì Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó đang nỗ lực để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Ông Erdogan, thời điểm đó đang đảm nhận cương vị Thủ tướng trước khi lên làm Tổng thống, không hào hứng với tranh chấp với các nước láng giềng như Hy Lạp. 

Sự nghiệp Gurdeniz bất ngờ dừng lại, khi ông bị bắt năm 2011, như hàng trăm viên chức khác. Những người theo chủ nghĩa dân tộc và thế tục (Kemalist) cảm thấy họ gắn chặt với di sản giáo phái của Mustafa Kemal Ataturk, nhà lập quốc hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ - hơn là chính quyền bảo thủ Hồi giáo của ông Erdogan. 

Ông Erdogan không trọng dụng những người như thế. Gurdeniz phải chịu ba năm rưỡi tù giam ở nhà tù Silivri gần Istanbul. Kể từ thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ tái định hình chính sách đối ngoại. Tổng thống Erdogan từ bỏ mục tiêu trở thành thành viên EU và chuyển sang tiến trình quốc gia chủ nghĩa. Chính phủ cũng xem xét lại bản kế hoạch cũ của Gurdeniz. 

"Tất cả vì tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ"

Ông Erdogan đặt Đông Địa Trung Hải là điểm trung tâm trong nỗ lực của bản thân nhằm tạo dựng sức mạnh địa chính trị lớn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống, cùng ngoại trưởng và đảng cực hữu nằm trong liên minh cầm quyền đều đồng loạt công khai nói về “Đất nước Xanh dương”. 

Với riêng Gurdeniz, từ chỗ là kẻ thù của chính quyền, ông bỗng được trọng dụng trở lại, trở thành kiến trúc sư trưởng về chính sách đối ngoại của chính phủ - một thực tế mà cá nhân ông cảm thấy ngạc nhiên hơn là hài lòng. “Đây không phải là vì Tổng thống Erdgoan, mà là tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ”, Gurdeniz nói. 

Lãnh hải ở Địa Trung Hải hiện nay được xác định theo Hiệp ước Lausanne năm 1923. Nhưng ông Erdogan giờ không sẵn lòng chấp nhận những điều khoản của thỏa thuận này. Ông tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ bị đối xử thiếu công bằng trong cách phân định đường biên giới cũ. 

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều huy động, tăng cường hiện diện hải quân trong vài tuần gần đây ở Địa Trung Hải. Xung đột hiện nay thiên về vấn đề kỹ thuật, nhưng không phải vì thế mà tính chất bớt khốc liệt đi. Điểm mấu chốt hiện nay chính là việc quốc gia nào được thừa hưởng phần lãnh hải phân định ở đông Địa Trung Hải. 

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, mỗi quốc gia thành viên tham gia công ước được quyền khai thác tài nguyên khoáng sản trong vòng 200 hải lý tính từ các đảo thuộc chủ quyền, hay còn gọi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh điều khoản này, vì một số đảo của Hy Lạp hiện chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vài kilomet, diện tích EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhỏ hơn so với mong muốn của Ankara. 

Chú thích ảnh
Các tàu chiến của Hải quân Hy Lạp tham gia tập trận ở Đông Địa Trung Hải ngày 25/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tranh chấp có thể được giải quyết nếu hai bên đồng ý đưa vấn đề ra một thiết chế độc lập, có thể là Tòa công lý Quốc tế, Hà Lan hoặc Tòa trọng tài Thường trực (PCA). Khi đó, các bên sẽ đồng ý cùng khai thác chung khu vực tranh chấp cho đến khi có phán quyết cuối cùng. Nhưng hiện cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều muốn yêu sách tối đa. 

Tháng 11/2019, ông Erdogan cam kết ủng hộ Thủ tướng Fayez Sarraf thuộc Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận chống lại chính quyền “Quân đội quốc gia Libya” của tướng Khalifa Haftar. Đổi lại, ông Sarraf đồng ý ký thỏa thuận với Ankara, với điều khoản cho phép mở rộng EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ vượt khỏi đảo Crete của Hy Lạp. 

Hy Lạp và các nước trong khu vực như Israel, Ai Cập đều không công nhận thỏa thuận này. Nhưng ông Erdogan vẫn quyết không dừng lại. Hai tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phái tàu thăm dò Oruc Reis, được hộ tống bởi nhiều tàu chiến, tiến về vùng biển Hy Lạp để khảo sát quanh đảo Kastellorizo. Liền sau đó ông tuyên bố có kế hoạch tìm kiếm nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi Cyprus. 

Khi ông Erdogan cảm thấy bị cô lập

Châu Âu lên tiếng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell kêu gọi Ankara dừng ngay hoạt động thăm dò khí đốt ở Địa Trung Hải. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn cử cả tàu chiến đến khu vực này, như muốn chứng minh sự ủng hộ đối với Hy Lạp. 

Thế nhưng có vẻ như việc ông Erdgoan quyết thúc đẩy học thuyết “Đất nước Xanh dương” còn bắt nguồn từ những tính toán chính trị trong nước, cùng với đó là cảm giác tổn thương danh dự. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận ông đang bị gạt ra rìa trong các kế hoạch khai thác tài nguyên ở Địa Trung Hải. 

Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập, Israel, chính quyền Palestine, Jordan và Italy mới đây cùng hợp nhất thành lập Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ bị gạt ra ngoài. Tháng 7 vừa qua, chính phủ Israel đồng ý xây dựng tuyến đường ông Eastmed - dự án mà Thổ Nhĩ Kỳ phản đối, vận chuyển khí đốt từ vùng biển của Israel tới châu Âu qua Cyprus và Hy Lạp. 

EU quan ngại, tình hình Địa Trung Hải có thể diễn biến vượt tầm kiểm soát. “Khi cảm thấy mình không có chỗ ở bàn, ông Erdogan có xu hướng lật đổ chiếc bàn đó”, Max Hoffman, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Tâm vì Tiến bộ Mỹ (CAP) bình luận. 

Bùng nhùng ở Địa Trung Hải cũng tạo cho ông Erdogan đánh loãng chú ý của dư luận trong nước trước những rắc rối chính trị nội bộ. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã lâm vào khủng hoảng hơn một năm, tồi tệ hơn bởi COVID-19. 

Trong bối cảnh những nỗ lực trung gian hòa giải của EU và đặc biệt là đầu tàu Đức chưa mang lại kết quả, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cùng tăng cường hoạt động quân sự đang làm gia tăng nguy cơ chiến tranh ở Đông Địa Trung Hải. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Der Spigel)