04:14 14/04/2013

Học sinh xứ Quảng nhọc nhằn tìm con chữ

Tại nơi xa xôi nhất tỉnh Quảng Nam tính theo đường bộ, ở xã giáp biên giới với nước bạn Lào, hằng ngày các giáo viên và học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Lý Tự Trọng (xã biên giới A Xan, Tây Giang, Quảng Nam) phải vật lộn với muôn vàn khó khăn để đổi lấy con chữ.

Tại nơi xa xôi nhất tỉnh Quảng Nam tính theo đường bộ, ở xã giáp biên giới với nước bạn Lào, hằng ngày các giáo viên và học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Lý Tự Trọng (xã biên giới A Xan, Tây Giang, Quảng Nam) phải vật lộn với muôn vàn khó khăn để đổi lấy con chữ.

Trường học trên đỉnh mây mù


Đường đến A Xan cực lắm, xe đò chỉ đến trung tâm huyện lỵ, còn muốn đến các xã chỉ có một cách là đi xe thồ, hoặc cuốc bộ. Tây Giang đang mùa mưa, đường đất nhiều đoạn sạt lở. Chúng tôi theo xe của một đơn vị thi công đường, các anh nhiệt tình bảo: “Ở trên này lâu, vắng bóng người Kinh, giờ gặp được nhiều người thế muốn đưa tới đâu cũng được!” Nhưng con đường từ A Tiêng, trung tâm huyện lỵ Tây Giang lên tới xã giáp biên A Xan cũng đang được thi công. Đường khúc khuỷu, dốc lên dốc xuống, bo đèo, người và xe gần như nghiêng 45 độ so với mặt đường, xuống dốc tạo cho ta cảm giác như đang “rơi tự do” với vận tốc khoảng 40-50km/h khiến người ngồi trên xe vừa hồi hộp vừa sợ hãi. Thi thoảng trên đường đi, có những thân cây lớn đổ xuống ngang đường, và những khối đất đá lớn sạt lở ngay bên cạnh những tấm biển cảnh báo. Thế rồi chỉ được nửa đường, chiếc xe Uat chuyên dụng hai cầu bỗng gầm lên rồi tắt lịm, không nhúc nhích được thêm một mét nào nữa. Các anh cầu đường đành gãi đầu gãi tai bảo không thể đi tiếp được. Chúng tôi xuống xe, cuốc bộ gần 25 km vào trung tâm xã A Xan.

Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Lý Tự Trọng (xã biên giới A Xan, Tây Giang, Quảng Nam).


Đường đến A Xan vất vả là thế, nhất là vào mùa mưa rất ít xe ô tô đi được. Đường toàn bùn lầy nhão nhoẹt, bánh xe cứ trượt đi xuống dốc, tài xế cắn răng đạp thắng mà vẫn bất lực. Chỉ có những chiếc xe máy với những tay lái lụa sừng sỏ nhất mới có thể bám đường mà đi thật chậm. Chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người và xe trượt xuống vực như chơi. Chính vì thế mà trong năm đến mùa mưa, gần như các xã A Xan, Ch’um bị biệt lập, con đường đến cửa khẩu phụ bên biên giới bị chia cắt.


Đón chúng tôi ngay từ con suối cách trường khoảng gần 13 km, thầy giáo Pơ Loong Díp, phó hiệu trưởng của Trường phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Lý Tự Trọng tay bắt mặt mừng, huy động anh em người mang giúp ba lô, người đưa gậy để chống đi lên những con dốc cao ngút trời. Vừa đi, anh Díp vừa bảo, đến mùa mưa là gần như giao thông bị gián đoạn, người ngoài không vào được, người trong cũng không ra được vì đường đi vô cùng khó khăn, lại phải qua nhiều con suối sâu nước chảy siết. Anh kể, năm 2002, một thầy giáo của trường phải về trung tâm huyện họp ngành giáo dục, khi ngang qua con suối chúng tôi vừa qua đã bị lũ đột ngột đổ về cuốn mất tích, đến bây giờ vẫn chưa tìm được thấy xác. Thảo nào bên con suối, chúng tôi thấy một am thờ nhỏ chi chít những chân hương. Hẳn là những người qua con suối này đã đốt để cầu mong linh hồn của người thầy xấu số kia sớm siêu thoát.


Chúng tôi đến trường vào buổi chiều, ngôi trường nằm trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng phủ mây mù, tưởng chừng như chỉ cần với tay là có thể chạm vào mây. Anh Díp cho biết chúng tôi đang đứng trên độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, nên khí hậu lạnh, thường xuyên mưa. Ngôi trường dân tộc bán trú này được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ hai mươi. Để có được ngôi trường như ngày hôm nay, các thầy cô giáo trong trường, cùng các chiến sỹ Đồn biên phòng 649 và người dân nơi đây đã phải cõng từng bao gạch đá, xi măng đi bộ hơn 40 km, ròng rã mấy ngày đường từ trung tâm huyện lỵ vào đến đây dựng trường, để đổi cái chữ cho con em đồng bào nơi đây…


Thầy và trò vùng biên


Một điều chúng tôi vô cùng ấn tượng khi gặp các học trò người Cơ tu nơi đây, là bất kể học sinh nào lớn hay nhỏ, khi thấy chúng tôi đều khoanh tay cúi đầu chào rất lễ phép. Anh Díp bảo, học trò ở đây ngoan lắm, lại rất ham học nữa. Bản thân hiệu trưởng Díp cũng từng là một cậu học trò nghèo, phải vượt hơn 45 km đường rừng ra trung tâm huyện học, rồi vượt mấy trăm cây số ra học sư phạm tại Đại học sư phạm Huế để rồi lấy được bằng giỏi tốt nghiệp, trở về quê hương công tác. Anh Díp là một trong 8 cán bộ có bằng đại học ở 4 xã vùng cao giáp biên giới của huyện Tây Giang này. Và những học sinh nơi đây luôn lấy tấm gương của thầy Pơ Loong Díp để mà cố gắng học tập, cố gắng vươn lên.

Khó khăn thiếu thốn nên giáo viên và học sinh ngoài giờ lên lớp vẫn phải tăng gia sản xuất cải thiện đời sống.


Một giáo viên trẻ cho biết, để duy trì được sĩ số học sinh, anh Díp cùng các giáo viên khác cứ mỗi mùa hè là lại đi đến từng làng, từng nóc nhà điểm danh học sinh rồi gom lại. Nếu không, sĩ số mỗi năm sẽ rơi rớt đi rất nhiều. Hiện tại, số học sinh ở đây là 629 em, tất cả đều là học sinh người Cơ tu. Trong đó có 422 em ở nội trú. Mấy năm về trước, trường chưa có chế độ cho học sinh nội trú, có rất nhiều học sinh ở xa nhà phải ở lại trường, phải mang gạo, mang bắp hay sắn đến trường để tự nấu ăn. Có nhiều em vì nhà nghèo quá, không có lúa, có sắn mang đến, đến bữa đói quá, nhìn các bạn ăn mà ngồi khóc. Thương quá, các thầy các cô trong trường mỗi người trích ra một ít tiền trong số lương ít ỏi của mình mua gạo, mua mắm cho những học sinh đó. Hiểu được tấm lòng của các thầy cô giáo, các em cảm kích lắm, đều cố gắng học thật giỏi để làm vui lòng thầy cô. Trong số những học sinh đó, bây giờ nhiều em đang học đại học, cao đẳng. Lúc nào cũng nhớ tới thầy cô và luôn tâm nguyện khi học xong sẽ trở lại xã nhà công tác.

Bữa ăn của các học sinh nội trú.


Bây giờ cuộc sống đã đỡ vất vả hơn khi các em có được chính sách, chế độ dành cho học sinh dân tộc nội trú, mỗi tháng được 500 ngàn đồng. Nhưng chừng ấy tiền chẳng thấm tháp vào đâu ở nơi cái gì cũng không có như thế này. Các loại lương thực, thực phẩm đều phải nhờ người chở từ trung tâm huyện vào. Số tiền chính sách chỉ đủ mua gạo và một ít thức ăn loại rẻ tiền. Chúng tôi vào bếp ăn lúc các em đang ăn tối, mỗi bàn 10 học sinh, bữa ăn chỉ có một âu cơm, một con cá khô to bằng bàn tay, và một tô canh lõng bõng. Nhưng với các em thế là đã tốt lắm rồi vì số tiền ít ỏi hằng tháng được nhận đó còn phải chi cho bao nhiêu thứ như thuốc men, sách vở, quần áo, chăn màn… Em Zơ Râm Hải, học sinh lớp 7/9 chia sẻ: “May nhờ có chính sách của nhà nước, nhờ các thầy các cô chúng em mới được đi học, mới được ăn cơm, ăn cá như thế. Nếu không, chúng em chỉ biết ăn sắn, ăn bắp quanh năm, không được đi học, không có quần áo đâu…”.


Tranh thủ hết giờ dạy, các thầy cô liền thay quần áo, vác cuốc, xẻng ra cuốc đất trồng rau, một số khác ra suối dùng lưới đánh bắt cá. Thầy giáo Díp cho biết, vì mùa mưa ở đây biệt lập với bên ngoài nên mọi cái phải tự cung, tự cấp. Muốn cải thiện cuộc sống, giáo viên cũng như học sinh nội trú phải lăn ra lao động. Ngoài trồng rau, đánh bắt cá, các giáo viên trong khu nội trú còn biết nuôi gà, nuôi lợn để phục vụ cuộc sống. Vì xa trung tâm nên cuộc sống ở đây dù có tiền cũng không có gì mà mua ăn vì không ai bán…


Thầy, trò cùng làm thủy điện…


Cách đây khoảng 8 năm, khi điện lưới quốc gia chưa về được đến A Xan, cuộc sống người dân, cũng như học sinh và giáo viên trong trường luôn phải sống trong ánh đèn dầu tù mù. Mà không được thắp nhiều vì xăng dầu ở đây vô cùng khan hiếm. Thấy như thế khổ cực quá, thầy và trò trong trường quyết tâm làm “cái thủy điện”, sau khi đọc tất cả các loại sách báo có trong trường, vận dụng nhiều kiến thức được học. Vì không có nơi nào bán tuabin phát điện bằng sức nước nguyên bản, nên các thầy cô giáo cùng học sinh đã phải gom góp tiền, nhờ người xuống tận TP Đà Nẵng mua từng bộ phận của các loại máy rời rạc, đem về mầy mò chế biến lại. Trước cổng trường là một con suối, nhà trường lại huy động học sinh và giáo viên trong trường chia dòng suối làm hai, một phần để đồng bào lấy nước tưới ruộng, một phần còn lại đắp đập, làm thủy điện.

Được chắp nối từ những bộ phận rời rạc, chiếc tuabin thủy điện tự chế này đã giúp thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng học tốt, dạy tốt.


Sau nhiều lần thất bại, máy thì cháy, bóng cũng cháy, thầy trò nhà trường vẫn quyết bắt dòng suối phải cho điện mới thôi. Và rồi khi ánh sáng đầu tiên từ chiếc tuabin được sức nước đẩy quay phát ra ánh sáng cho chiếc bóng điện đầu tiên của Khu 7 này, người dân không chỉ của xã A Xan, mà cả Ch’um và các bản Tà Vàng của huyện Kà Lùm nước bạn Lào cũng sang để xem “cái bóng điện phát sáng” như thế nào. Lúc đóng cầu dao điện, ai cũng hồi hộp, và rồi sau mấy cái chớp, chiếc bóng chữ U đã sáng bừng lên, soi rõ những khuôn mặt đang khấp khởi chờ đợi ánh sáng, nét mặt ai cũng bừng sáng lên vì thành công ấy. Có điện rồi, nhưng điện còn yếu, và không đủ phục vụ cho cả trường. Thầy và trò lại tiếp tục gom góp tiền, để rồi hơn một năm sau, chiếc tuabin thứ hai với công suất gấp ba lần chiếc đầu lại được chạy dưới dòng suối ấy. Thầy và trò hân hoan vui mừng, vì đây là điểm đầu tiên trong 4 xã vùng cao thuộc Khu 7 đã có điện thắp sáng.


Từ mô hình của thầy và trò, Đồn biên phòng 649, rồi nhiều hộ gia đình khác cũng đã lắp đặt tuabin để lấy điện thắp sáng và sinh hoạt. Đầu năm 2012, điện lưới quốc gia đã được đưa về, nhưng thầy và trò trong trường vẫn sử dụng điện tuabin do mình chế tác. Dẫn chúng tôi đi xem thủy điện của thầy và trò, Phó hiệu trưởng Díp bảo: “Mình có cái điện lưới thì dùng điện lưới quốc gia, nhưng nhiều bản làng xa điện yếu nên mình dùng rất hạn chế để họ có dòng điện dùng chứ không điện tới được chỗ bà con rất yếu!”.


Có điện, ánh sáng đã về đến với giáo viên và học sinh nơi đây, mặc dù vẫn còn muôn vàn khó khăn, nhưng những người làm giáo dục vùng biên này vẫn cố gắng vượt qua, cùng những lớp học trò đưa cái chữ đến với mọi người, để cùng xây dựng một vùng biên khởi sắc trong tương lai.



Bài và ảnh:Hữu Cường