11:18 17/11/2010

Học sinh vùng lũ “vắt chân” chạy chương trình

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), đến nay các trường ở vùng vừa bị thiệt hại về lũ đã hoạt động trở lại. Trong khi cơ sở vật chất, đồ dùng học tập của các trường gần như bị “xóa sổ” thì việc đảm bảo chương trình học là một thách thức của ngành giáo dục.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), đến nay các trường ở vùng vừa bị thiệt hại về lũ đã hoạt động trở lại. Trong khi cơ sở vật chất, đồ dùng học tập của các trường gần như bị “xóa sổ” thì việc đảm bảo chương trình học là một thách thức của ngành giáo dục.

Chỉ lo đủ sách giáo khoa

Đến ngày 10/11, một số trường học bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Hà Tĩnh trong những trận lũ lụt vừa qua đã hoạt động trở lại. Theo ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Tĩnh, về cơ bản việc cung ứng sách giáo khoa cho học sinh trong tỉnh được thực hiện chu đáo. Đoàn thị sát của Sở GD - ĐT Hà Tĩnh đã đến những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất như các xã: Hưng Mỹ, Hòa Hải, Hà Linh (huyện Hương Khê), để tìm hiểu tình hình. Tại những trường này, học sinh đã được đáp ứng đủ về sách giáo khoa.

Cháu Nguyễn Thị Tịnh, 6 tuổi, học lớp 1A, Trường Tiểu học Kim Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) chịu tang cha đến lớp, trong vòng tay thầy cô giáo. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

“Đến giờ này, chúng tôi mới chỉ dám nghĩ đến việc đảm bảo đủ sách giáo khoa để học sinh đi học trở lại. Toàn tỉnh có 600 phòng học bị sập, gần 2.300 phòng học bị hư hỏng nặng với hơn 13.000 bộ bàn ghế bị hỏng và cuốn trôi. Đặc biệt, đồ dùng học tập ở bậc mầm non, tiểu học hầu như không còn. Để khắc phục tình trạng này phải mất một thời gian nữa”, ông Nguyễn Khắc Hào nói.

Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua. Toàn tỉnh có 284 trườngvà cơ sở giáo dục bị ngập, trong đó có 205 trường và cơ sở ngập nặng. Nhiều trường đã bị trôi bàn ghế, thiết bị dạy học. Nhiều trường bị phủ bùn, có trường bị bùn lấp từ 15 - 20 cm... Tổng thiệt hại toàn ngành ước tính trên 80 tỷ đồng. Ông Nguyễn Kế Thân, Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Bình cho biết: Hiện nay, các trường bị ngập lụt mới lo được 50% số sách giáo khoa cho học sinh. Việc lo đủ sách giáo khoa để đảm bảo chương trình học vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành. “Sau đợt lũ này, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục bằng nội lực kết hợp sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đoàn thể, phụ huynh học sinh khắc phục khó khăn, từng bước ổn định việc dạy và học. Đồng thời có biện pháp tích cực hỗ trợ học sinh sớm được trở lại trường. Tổ chức tiêm phòng dịch cho học sinh vùng ngập lụt, đề phòng các bệnh dịch lây lan”, ông Thân cho biết thêm.

Dạy vào ngày nghỉ

Lãnh đạo Sở GD - ĐT các tỉnh bị thiệt hại cho biết, việc đảm bảo về sách là một chuyện nhưng bên cạnh đó, đảm bảo chương trình học mới là vấn đề quan trọng bởi nhiều trường đã bị chậm so với kế hoạch năm học. Việc ổn định tinh thần học tập, củng cố kiến thức là nhiệm vụ hàng đầu của ngành hiện nay.

Theo Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Khắc Hào, đồ dùng học tập, thiết bị trường học đã trôi hết nhưng cả thầy và trò vẫn quyết tâm để đảm bảo chương trình học. "Sở đã có văn bản chỉ đạo để các trường dạy bù vào những ngày nghỉ nhằm phụ đạo, củng cố lại kiến thức cho học sinh. Thực tế, một số trường học bị thiệt hại nặng ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang đã bị chậm chương trình học”.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sau những ủng hộ về sách giáo khoa để đảm bảo chương trình học, Bộ tiếp tục có thống kê thiệt hại của ngành giáo dục các tỉnh, trình Chính phủ nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tập thể, đặc biệt sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về thiết bị dạy học tối thiểu, cơ sở vật chất để đảm bảo cho học sinh đến trường. Đồng thời sẽ đầu tư về cơ sở vật chất bù đắp những thiệt hại của địa phương.

Lê Vân