03:16 09/03/2019

Học sinh trung học thi tài với 252 dự án khoa học, kỹ thuật

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khai mạc Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019 khu vực phía Bắc.

Chú thích ảnh
Có 30 sở GD&ĐT, 4 trường đại học dự thi. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức

Cuộc thi KHKT khu vực phía Bắc năm nay diễn ra từ ngày 9 - 12/3. Có 34 đơn vị tham gia dự thi, trong đó có 30 sở GD&ĐT, 4 trường đại học đóng góp tổng số 252 dự án ở cả 2 cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Nhiều dự án Kỹ thuật - Cơ khí gắn với thực tiễn lao động sản xuất, liên quan đến công nghệ thông tin góp mặt tại cuộc thi. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức

Tiếp tục xu thế của cuộc thi năm trước, năm nay, các dự án thuộc lĩnh vực Kỹ thuật - Cơ khí gắn với thực tiễn lao động sản xuất; các dự án liên quan đến công nghệ thông tin, phần mềm hệ thống, hệ thống nhúng, robot và các máy thông minh... được nhiều đội thi quan tâm. Điều này thể hiện sự bắt nhịp với công nghiệp 4.0 của học sinh.

Chú thích ảnh
Vấn đề “nóng” như Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em gái cũng là một đề tài dự thi. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức

Bên cạnh đó, lĩnh vực Xã hội và Hành vi ứng xử được các tác giả/nhóm tác giả dự án thực hiện, ví dụ công tác giáo dục học đường, tâm sinh lý lứa tuổi, tâm lý giới, kỹ năng sống… đặc biệt là vấn đề “nóng” như Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em gái.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Hữu Độ khẳng định từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài cho thấy nhiều em học sinh đã thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của các em đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

“Những thành công bước đầu này mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông. Đối với học sinh, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật góp phần khuyến khích các em quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống, liên hệ kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức tổng hợp đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn; góp phần giáo dục STEM và tạo nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp trong tương lai. Đối với nhà trường, hoạt động này cũng góp phần tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học; góp phần hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.

Chú thích ảnh
Phần thi gian trưng bày và trả lời phỏng vấn chiếm 35% tổng số điểm. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức

Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ là tiền đề cho việc lựa chọn các dự án tham dự Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế Intel ISEF.

Trong những năm qua, đoàn học sinh Việt Nam đã liên tục tham gia Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế Intel ISEF tại Hoa Kì và đạt được nhiều giải thưởng lớn. Cụ thể: năm 2012: 1 giải Nhất; năm 2013: 2 giải Tư; năm 2014: 2 giải Tư và 1 giải Đặc biệt; năm 2015: 1 giải Tư và 1 giải Đặc biệt; năm 2016: 4 giải Ba; năm 2017: 1 giải Ba, 4 giải Tư và 4 giải Đặc biệt; năm 2018: 1 giải Ba và 1 giải Đặc biệt. Tỷ lệ dự án đoạt giải của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 26% của Intel ISEF.

Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ năm học 2011-2012.

Cuộc thi góp phần tích cực đổi mới giáo dục phổ thông, định hướng phát triển năng lực học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW; hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học đã được triển khai một cách có hiệu quả; số lượng, chất lượng các dự án dự thi hàng năm ngày càng được nâng cao.

Hằng năm có gần 500 dự án với gần 900 học sinh của 63 tỉnh/thành phố, các trường trung học trực thuộc và các trường trung học phổ thông chuyên thuộc các Đại học, trường Đại học tham dự cuộc thi cấp quốc gia.

 

Minh Thy/Báo Tin tức