10:08 03/10/2017

Học sinh ở nước ngoài cũng đau đầu với 'kỷ luật thép'

Sau khi bức tâm thư đầy bức xúc của một bà mẹ có con học trong một ngôi trường nổi tiếng nghiêm khắc ở Hà Nội làm dậy sóng mạng xã hội Việt Nam, vấn đề “kỷ luật thép” đối với những học sinh non trẻ đã đặt ra nhiều câu hỏi trăn trở cho các bậc phụ huynh và người làm giáo dục.

Thầy cô nên là người truyền cảm hứng hay là "quản giáo" của học sinh?

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, tại các nền giáo dục ở những nước tân tiến trên thế giới như Anh, Mỹ hay Australia… thì vấn đề “kỷ luật thép” trong trường học cũng gây ra nhiều tranh cãi. 

Có người quan niệm trẻ em cần được trải nghiệm một môi trường vui vẻ, hồn nhiên nhất có thể dưới mái trường, còn mọi phép tắc, điểm số đều không quan trọng và thầy cô phải là người truyền cảm hứng cho các em về một cuộc sống có ý nghĩa. 

Song lại có những người bảo vệ quan niệm rằng trường học với kỷ luật nghiêm ngặt như trong quân ngũ sẽ uốn nắn phẩm chất và tác phong cho học sinh, đào tạo ra những công dân chuẩn mực để sẵn sàng bước vào “trường đời”.

Ở những ngôi trường đặt kỷ luật lên hàng đầu, trẻ tới trường ngày ngày phải bị kiểm tra đồng phục liên tục, đối mặt với nhiều hình thức phạt và thậm chí là những áp lực đè nặng. 

Chẳng hạn như trường tư thục Skinners ở Hackney (London, Anh). Một ngày đầu năm học, phóng viên tờ Guardian đến thăm nơi đây khi đã gần trưa, nếu học sinh có tỏ ra mệt mỏi hay mất tập trung cũng không phải điều khó hiểu. 

Tuy nhiên, đi ngang qua khung cửa kính của từng lớp học, lũ trẻ vẫn cặm cụi chúi đầu vào làm bài tập. Lúc phóng viên mở cửa ra, tất cả đều đứng bật dậy, nghiêm trang chào vị khách với khuy áo cài kín tới tận cổ, cà vạt thắt ngay ngắn trong lớp áo vét kẻ sọc. 

Kỷ luật nghiêm khắc là một đặc điểm nhận dạng của các ngôi trường tư thục được tài trợ ở Anh, và theo hiệu trưởng Tim Clark, trường Skinners vẫn chưa nghiêm khắc nhất. “Nếu bạn có một môi trường được cấu trúc và có chỉ dẫn rõ ràng, học sinh sẽ vui vẻ và chú tâm vào việc học”, ông nói. 

Nội quy mới do ông Clark xây dựng bao gồm quy tắc ăn mặc nghiêm ngặt, kiểm tra đồng phục hàng ngày và một danh sách dài các điều lệ và hình phạt khác nhau của nhà trường. Ông ghi nhận cả sự tán thành lẫn phản đối của phụ huynh học sinh.

Bà Sian Martin đã xin nghỉ học cho con cậu con trai 13 tuổi Noah sau khi cậu bé mắc phải một số lỗi trong nội quy và bị nhà trường phạt. Bà cảm thấy đó chỉ là những lỗi sai vụn vặt không đáng bị lên án. 

Trong ngày đầu tiên của học kỳ, Noah đã vi phạm nội quy về đồng phục của trường Skinners. Cậu đi giày vải thay vì giày da, trong khi nội quy yêu cầu giày phải cứng, màu đen, không chấp nhận giày thể thao hay giày cao gót, không hở ngón chân…

Buổi học hôm đó, cậu phải quay về nhà chứ không được vào lớp. Lần tiếp theo, Noah cũng bị phạt vì nói chuyện trong khi làm việc nhóm với một người bạn ở giờ nghệ thuật. 

Hệ thống treo điểm thưởng cho những học sinh hành xử đúng đắn và ngược lại tại Skinners cũng khiến bà Martin lo ngại. 

Noah học chương trình trực tuyến tại nhà riêng vì theo bà Martin, khu vực xung quanh chẳng có ngôi trường nào đỡ “kỷ luật thép” hơn cả. Đối với bà, đi học mà bị kiểm soát chặt chẽ đến vậy thì chẳng khác nào đi tù. 

Hiệu trưởng Clark từ chối cung cấp số học sinh đã bị đuổi khỏi trường trong học kỳ đó, song cũng thú thực đã có khoảng 20 – 30 trường hợp ở ngay trong 3 tuần học đầu tiên. Ông cam kết sẽ còn siết chặt kỷ luật hơn nữa. 
Tại ngôi trường Mossbourne gần đó, học sinh còn bị cấm đi vệ sinh giữa giờ học hoặc ghé vào các cửa tiệm trên đường về nhà. 

Trường City of London thì đưa ra “lộ trình cải thiện hành vi” gồm 5 giai đoạn, bắt đầu từ các hình phạt kéo dài 20 phút cho những lỗi nhỏ như không làm đúng kế hoạch của năm, mang sai dụng cụ học tập… và mức phạt được tăng lên dần. 


Trường King James’s còn cấm học sinh đi chậm, nói từ lóng hay nhìn qua cửa sổ.

Áp lực trong trường học đối với người học trò giờ đây không chỉ là việc học tốt kiến thức mà còn phải khắc cốt ghi tâm những điều lệ không được phép xâm phạm, nếu không sẽ phải nhận hình phạt thích đáng.

Những gánh nặng này được xem như quá tải đối với những học sinh non nớt, dễ bị tổn thương. Khi bị nêu tên và phải chịu phạt nhiều lần, một học sinh sẽ cảm thấy mình kém cỏi hơn so với các bạn, dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực không đáng có. 

Tuy nhiên, ngoài những tiêu cực kể trên thì các nghiên cứu khoa học lại chứng minh rằng kỷ luật chặt chẽ trong trường học sẽ giúp học sinh đạt tiến bộ vượt bậc và có hành vi đúng đắn. 

Trong tục ngữ có câu “Muốn tròn phải có khuôn. Muốn vuông phải có thước”. Quan niệm chúng ta sẽ không thể học tập tốt nếu không có kỷ luật nghiêm chẳng hề sai. Không học, không chấp hành nội quy nhà trường, người học sinh sẽ phải trả một cái giá nào đó trong sự nghiệp tương lai. 

Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Quốc tế về Quản lý Giáo dục cho biết lớp học nên trở lại với phương pháp kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Phó giáo sư Chris Baumann tại Đại học Macquarie dựa trên dữ liệu OECD về kỷ luật học đường ở Australia, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản…, nhận thấy những quốc gia có kỷ luật khắt khe là những quốc gia đạt thành tích cao nhất về mặt học thuật. Ngoài ra, ông cũng nhận thấy việc mặc đồng phục nghiêm chỉnh có tương quan với kỷ luật tốt hơn trong lớp học. 

Khuôn phép và kỷ luật nghiêm khắc giúp chúng ta trưởng thành và thay đổi theo những đường hướng tích cực. Một số điều lệ học đường có thể thành thói quen tốt cho người học sinh, nhưng quan trọng phải được ứng dụng linh hoạt cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng.  

Hoàng Trang/Báo Tin Tức