01:21 24/01/2022

Học sinh cần tới trường để tránh hệ lụy lâu dài - Bài cuối: Chống 'sốc' cho học sinh khi đi học trở lại

Đi học trở lại sau một thời gian dài ở nhà, học sinh sẽ phải tạo cho mình một thói quen sinh hoạt mới. Từ việc chuẩn bị trang phục, di chuyển tới trường đến việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo. Để các em không bị “sốc”, thời gian đầu, rất cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường.

Chú thích ảnh
Học sinh các khối từ lớp 7 đến lớp 12 thuộc vùng xanh (cấp độ 1) và vùng vàng (cấp độ 2) trên địa bàn thành phố sẽ đi học trực tiếp từ ngày 8/2/2022. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo dõi chặt diễn biến tâm lý

Với những thay đổi về thời khóa biểu và thói quen sinh hoạt, các chuyên gia tâm lý và bác sĩ khuyến cáo nhà trường và gia đình nên có sự chuẩn bị cũng như hỗ trợ để học sinh trở lại trường trong tâm thế tốt nhất. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt diễn biến tâm lý để có những ứng xử phù hợp, không để học sinh bơ vơ, loay hoay tự giải quyết vấn đề.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc hạn chế đi lại, giao tiếp trong một thời gian dài dễ khiến học sinh mắc những vấn đề về tâm lý. Các em có thể rơi vào trạng thái co mình lại, e ngại ngay cả với những bạn bè cùng lớp vốn đã biết nhau. Chắc chắn sẽ có nhiều tình huống phát sinh khi các em trở lại trường. Do đó, khi đi học trực tiếp, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn về sức khỏe thì nhà trường và gia đình cần nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các em để có những điều chỉnh phù hợp.

Em Trần Nguyễn Thái An (Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân, Cầu Giấy) bày tỏ lo lắng khi biết thông tin sẽ đi học lại ngay sau kỳ nghỉ Tết. Em chia sẻ, đi học lại đồng nghĩa với việc em sẽ phải dậy sớm, ăn sớm, mặc đồng phục. Những việc đó lâu lắm rồi em không phải làm nên rất ngại.

“Em cũng mong được đi học để gặp bạn, gặp thầy cô nhưng lại không biết sẽ nói chuyện gì với các bạn. Hơn nữa, cả 3 đợt kiểm tra định kỳ đều theo hình thức trực tuyến nên em thực sự không tự tin lắm khi đối diện với việc kiểm tra trực tiếp tới đây. Có lẽ phải một thời gian em mới quen được việc này”, em Thái An cho biết.

Để các em học sinh sớm thích nghi với việc học tập trực tiếp tại trường, thời gian đầu, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có thể dành một vài buổi nói chuyện, chia sẻ trong phạm vi lớp học hoặc tăng cường phối hợp trao đổi với phụ huynh học sinh để tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải cả trong và ngoài nhà trường, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh và thái độ ứng xử, hòan thiện nhân cách cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện.

Cần sự thích nghi từ chính phụ huynh

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn có những tiềm ẩn đáng ngại, việc học sinh đi học trở lại rất cần sự ủng hộ, đồng hành và thích nghi của chính phụ huynh. Sự bình tĩnh, lạc quan từ phía gia đình cũng sẽ giúp các em yên tâm hơn khi đến trường.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ những nguy cơ, hệ lụy lâu dài khi con mình phải ở nhà trong một thời gian dài. Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần thích nghi với hoàn cảnh “bình thường mới”, không thể để trẻ ở mãi trong nhà, bởi trẻ cần một bối cảnh rộng hơn để phát triển. Tất nhiên, điều quan trọng là phải trang bị cho các con kiến thức và năng lực thích ứng với môi trường mới để trẻ tự đảm bảo an toàn theo khả năng của mình.

“Điều khiến tôi lo lắng nhất khi con đi học trở lại chính là làm thế nào để con thay đổi được thói quen đã hình thành trong suốt thời gian học trực tuyến. Từ việc chơi game, giờ giấc ăn ngủ đến việc giao tiếp, ứng xử ở trường. Liệu con có sẵn sàng chia sẻ, tâm sự với tôi, với giáo viên ở trường hay con sẽ lẳng lặng giải quyết vấn đề của mình?”, chị Bùi Thuyết (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ lo lắng.

Việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen ở trẻ cần có lộ trình để vừa giúp trẻ không bị “sốc”, vừa giúp trẻ bắt nhịp với những thay đổi mới. Điều này hết sức khó khăn đối với những trẻ trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có diễn biến thiếu ổn định.

“Tùy vào độ tuổi khác nhau mà phụ huynh sẽ có sự chuẩn bị khác nhau. Điều quan trọng nhất là tạo cho con một trạng thái tích cực khi đến trường. Khi đó, việc điều chỉnh, uốn nắn các con vào một thói quen mới, giờ giấc học tập sinh hoạt mới sẽ dễ dàng hơn”, cô Đào Hồng, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân chia sẻ.

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường. Đồng thời, trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Qua mỗi bài học, giáo viên có điều kiện hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập phù hợp với các đối tượng học sinh; bố trí thời gian hợp lý để hỗ trợ, bù đắp nội dung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập, nhất là những học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian phải tạm dừng đến trường; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tổ chức, quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Nguyễn Cúc (TTXVN)