03:08 24/03/2023

Học nghề từ nơi 'bếp núc'

Để tờ báo đến tay bạn đọc, ngoài sự định hướng, chỉ đạo của Ban Biên tập và sự lăn lộn của đội ngũ phóng viên, còn có một “ê kíp” đảm nhận những công việc thầm lặng sau hậu trường. Đó là đội ngũ biên tập viên, họa sĩ, kỹ thuật viên, những người làm công việc “bếp núc” phía sau một tờ báo. Phóng viên Nguyễn Thị Cúc (Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội) vẫn không thể nào quên quãng thời gian “bếp núc” bận rộn như vậy tại báo Tin tức, giúp cô học hỏi được nhiều điều về nghề báo.

Chú thích ảnh
Phóng viên Nguyễn Thị Cúc hiện công tác tại Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2001, tôi bắt đầu học việc tại báo Tin tức với công việc chính là trình bày báo. Khi chú Nguyễn Các (hồi đó là Tổng biên tập báo Tin tức buổi chiều) đồng ý cho tôi đến học việc, tôi còn chưa hình dung được đó là công việc như thế nào, khó hay dễ. Hai tuần đầu tiên, tôi chỉ được đứng nhìn các cô, chú, anh, chị trong Phòng Thư ký tòa soạn làm việc. Chứng kiến từng công đoạn, từ khâu biên tập tin, bài, ảnh cho đến khi tờ báo được xuất bản, tôi dần hiểu về công việc mình sẽ làm.

Cho đến khi một nhân viên trình bày báo nghỉ sinh con thì tôi mới được trực tiếp ngồi vào bàn máy. Vốn tự xác định rằng bất kỳ khâu nào trong quy trình làm báo cũng cần sự nghiêm túc và cẩn trọng nên tôi làm việc bằng tất cả trách nhiệm và cả niềm đam mê của tuổi trẻ để thích nghi với guồng quay của công việc. Bên cạnh đó, tôi cũng tranh thủ tìm hiểu, đọc các tin, bài của phóng viên để rồi từ đó, mơ ước được trở thành phóng viên bắt đầu nhen nhóm trong tôi.

Hồi đó, báo Tin Tức phát hành buổi chiều hằng ngày nên mọi quy trình xuất bản một số báo diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ. Để ra được những bản in cuối cùng trước khi chuyển sang nhà in, anh chị em trong phòng Thư ký tòa soạn phải “chế biến” từ chiều hôm trước theo một quy trình khép kín. Từ biên tập đến họa sĩ vẽ morat theo các chuyên mục được định sẵn, sau đó chúng tôi sẽ trình bày theo bản vẽ, rồi một bộ phận khác sẽ dò lỗi kỹ thuật, chính tả. Nghe tưởng đơn giản, song những ai đã từng làm báo giấy mới hiểu đây là những khâu quan trọng trong quy trình sản xuất báo bởi áp lực về thời gian in báo, về độ chính xác của câu chữ, hình ảnh, chính tả...

Công đoạn “chế biến” một tờ báo sẽ kết thúc bằng bản in giấy nến rồi chuyển sang nhà in ngay bên cạnh trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt. Vì báo phát hành đầu giờ chiều nên mọi sự gấp gáp đều tập trung vào Phòng Thư ký tòa soạn. Nhiều lúc, giấy nến đã in rồi, thậm chí đã chuyển sang nhà in rồi nhưng khi có tin nóng, tin thời sự quan trọng thì việc thay tin là chuyện bình thường. Điều này có nghĩa là cả một quy trình sẽ lại được vận hành cho đến khi có một bản in giấy nến mới.

Trước yêu cầu đổi mới, tháng 4/2008, báo Tin tức chuyển sang phát hành buổi sáng. Cùng với các phòng khác, Phòng Thư ký tòa soạn cũng đã “sốt xình xịch” trước chủ trương này. Là những người đảm nhận khâu sản xuất cuối cùng của tờ báo, chúng tôi hiểu việc thay đổi thời gian phát hành báo đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải chuyển sang làm đêm, chúng tôi sẽ phải sắp xếp lại mọi công việc gia đình, con cái…

Chú thích ảnh
Phóng viên Nguyễn Cúc tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi báo phát hành buổi sáng thì tôi đã chuyển sang bộ phận đọc dò. Đối với tôi, đây là cơ hội vô cùng quý giá bởi tôi được đọc các tin, bài của các phóng viên trong cơ quan, của các cộng tác viên mọi miền Tổ quốc. Tôi đã lặng lẽ góp nhặt kiến thức, tranh thủ học hỏi cách viết của họ. Rồi được sự tin tưởng của các chú, các cô, các anh trong Ban biên tập, tôi đã tham gia biên tập một số tin, bài, thậm chí viết một số tin, bài theo sự chỉ đạo của tòa soạn.

Có nhiều hôm, khi công việc kết thúc cũng là lúc đồng hồ báo đã chuyển sang một ngày mới. Tuy mệt mỏi nhưng niềm vui đối với những người lo chuyện “bếp núc” như chúng tôi là những trang báo đầy ắp thông tin nóng hổi, hình thức bắt mắt, nội dung chính xác đến với độc giả vào sáng hôm sau.

Cũng có người cho rằng, công việc của bộ phận thư ký tòa soạn là nhàn nhã, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, nhưng với 12 năm trực tiếp “thi công” cùng với anh chị em trong Phòng Thư ký tòa soạn (hiện nay là Phòng Thư ký biên tập), tôi nghĩ đối với chúng tôi, công việc hằng ngày là một chuỗi công việc không tên trong guồng quay bận rộn.

Mỗi tờ báo ra đời vừa hay, vừa đẹp, vừa đúng là sản phẩm của tập thể, trong đó Ban biên tập, phóng viên, biên tập viên chịu trách nhiệm về nội dung, kiểm duyệt; họa sĩ trình bày, kỹ thuật viên lên trang, đọc morat soát lỗi... Trong sản phẩm chung đó có sự đóng góp của chúng tôi, những người không bao giờ có tên trên mặt báo.

Hơn 12 năm gắn bó với báo Tin Tức với các nhiệm vụ khác nhau, tôi đã học được rất nhiều từ các chú, các anh, các chị, các đồng nghiệp. Đó chính là những kiến thức quý giá, sự khởi đầu đầy ý nghĩa, là nền móng để tôi vững vàng trong sự nghiệp làm báo cho đến tận bây giờ. Sau này, khi tôi làm phóng viên thường trú tại tỉnh Hà Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay là Hà Nội, tôi vẫn luôn biết ơn tòa soạn báo Tin Tức - nơi giúp tôi trưởng thành.

Nguyễn Cúc