11:16 19/11/2014

Học giáo dục trực tuyến phải tương tác

Theo cuộc khảo sát gần đây của một website giáo dục trực tuyến (GDTT), trong 50 học sinh tham gia học online được hỏi, có tới 48 bạn cho rằng hạn chế lớn nhất của các website học trực tuyến ở Việt Nam là sự tương tác giữa thầy cô và học sinh còn rất kém.

Theo cuộc khảo sát gần đây của một website giáo dục trực tuyến (GDTT), trong 50 học sinh tham gia học online được hỏi, có tới 48 bạn cho rằng hạn chế lớn nhất của các website học trực tuyến ở Việt Nam là sự tương tác giữa thầy cô và học sinh còn rất kém.


Thiếu sự phản hồi từ trang web giáo dục


Bạn Vương Trí Lân (trường chuyên Lê Quý Đôn – Bình Định) chia sẻ nguyên nhân em vẫn còn e ngại với học trực tuyến là vì có cảm giác như không ai quan tâm đến mình. “Nhiều lần có ý định đăng kí một số khóa kĩ năng mềm trên mạng, nhưng học online khó có thể tương tác ngay lập tức khi muốn muốn trao đổi với giáo viên về bài học. Do đó, em đã quyết định không tham gia học trực tuyến”, Lân nói.


Tương tự, bạn Trần Gia Hân (ĐH Kinh Tế TP. HCM), một học sinh từng “dùi mài” trên các website và diễn đàn ôn thi Đại học cũng cho rằng, tương tác trong GDTT hiện nay vô cùng hạn chế. “Mình tham gia học trực tuyến chủ yếu với mục đích tìm kiếm thêm tài liệu chứ không phụ thuộc vào nó nhiều. Vì hầu như, hoạt động này chỉ diễn ra một chiều, học sinh tiếp nhận bài giảng chứ không có cách nào tương tác ngược lại. Nhiều khi bí quá, không biết cách giải nào là tối ưu, mình cũng có lên đặt câu hỏi nhưng thường xuyên không nhận được phản hồi hoặc có phản hồi nhưng sau một thời gian khá lâu”, Hân cho biết. 


Thiếu sự phản hồi của trang web GDTT khiến nhiều người ngại học online.


Dạo một vòng qua các website dạy online cho thấy, sự trao đổi thông tin vẫn còn rời rạc, lẻ tẻ. Mặc dù hàng loạt các video bài giảng có lượt view rất cao, nhưng số lượng bình luận chưa thể hiện được sự sôi nổi. Đáng chú ý là những câu hỏi thắc mắc về nội dung bài giảng hầu như không nhận được sự hồi đáp của giáo viên hoặc chỉ có một số người tham gia tự trả lời với nhau. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ khác từ phía ban quản trị website hay cộng đồng khác hầu như không có.


Trong khi đó, nhiều giáo viên cho biết tương tác trong GDTT là bài toán nan giải không chỉ ở Việt Nam mà còn là thách thức chung cho các mô hình E-learning trên thế giới.  Đó là điều không thể tránh khỏi khi học sinh tham gia một khóa học online chỉ đơn giản là đang “tương tác” với thông điệp dữ liệu được truyền đến màn hình máy tính chứ không phải là trực tiếp với các thầy cô như trong các lớp học truyền thống.


Thầy Lâm Quang Thoại, giáo viên Sinh học trường Marie Curie tại TP Hồ Chí Minh, người đang có nhiều hoạt động giảng dạy online thừa nhận: “Vấn đề lớn nhất là thời gian. Người giáo viên ở trường lớp có vô vàn công việc phải hoàn thành, nên khó có thể dành nhiều thời gian cho việc trả lời học sinh trên mạng”. Còn theo thầy Phạm Phong, một giáo viên có kinh nghiệm lâu năm giảng dạy online và tự xây dựng website của riêng mình thì cho rằng, thách thức nằm ở việc một giáo viên rất khó có thể quản lý tất cả các vấn đề bởi họ dạy không chỉ một mà hàng ngàn cá nhân với trình độ khác nhau. Nếu một người làm thì chỉ được khâu này lại mất khâu kia nên việc thực hiện bài giảng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo tương tác… sẽ không được đúng như mong muốn.”


Học online là phải tương tác


Nắm bắt nhu cầu cũng như những điểm yếu của các trang GDTT, một số trang web về giáo dục đã được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung được ra đời, trong đó là chú trọng sự tương tác trong dạy và học như Trường học Trực tuyến Sài Gòn (www.iss.edu.vn), Zuni.vn...


Ông Lê Thanh Hùng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Trường học trực tuyến Sài Gòn, cho biết bên cạnh các video bài giảng được đầu tư kỹ về kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy lẫn hình ảnh, clip và thí nghiệm mô phỏng, mỗi bài học còn phần tóm tắt để các em học sinh có thể nắm được những kiến thức trọng tâm. Ngân hàng câu hỏi bài tập và đề kiểm tra được chuẩn bị kĩ lưỡng cho từng chương, từng phần của tất cả các môn sẽ giúp các em sau khi theo dõi các bài giảng trên video có thể luyện tập để kiểm tra kiến thức và ôn luyện cho các kì thi. Ngoài ra, phần tài liệu đọc thêm với những bài viết, những thông tin có liên quan đến bài học sẽ giúp các em mở rộng, liên hệ thực tế để hiểu bài hơn...


Với lực lượng trợ giảng hùng hậu, Zuni.vn được xem là trang GDTT tương tác mạnh nhất


Với cổng Zuni.vn, cổng GDTT này được xem là có sự tương tác mạnh nhất khi có thêm một lực lượng trợ giảng hùng hậu bên cạnh các giáo viên dạy chính để hỗ trợ giải đáp cho người dùng và tăng tính tương tác cho các khóa học. Những trợ giảng này là các sinh viên giỏi, các thủ khoa có thành tích xuất sắc trong từng môn học, lĩnh vực cụ thể. Qua việc trả lời thắc mắc, hỗ trợ học tập, trao đổi thông tin … người học sẽ có thể được chăm sóc tốt hơn và sẽ có được sự tương tác nhanh chóng khi tham gia học tập. Ngoài ra, đội ngũ quản trị của website cũng luôn có mặt để hỗ trợ các học viên khi cần. Bằng việc tạo ra những mục hỏi - đáp, hỗ trợ, nhắn tin… thân thiện, người dùng có thể dễ dàng tương tác với cộng đồng mở trên trang.


Trần Gia Hân hiện cũng tham gia vào đội ngũ trợ giảng của Zuni với bộ môn địa lí. Hân cho biết: “Hiểu sâu sắc được những khó khăn như mình cũng đã từng gặp phải, em mong muốn đóng góp những gì đã học được để hỗ trợ cho thế hệ sau học tốt hơn trong quá trình tự học của mình. Hiện đội ngũ trợ giảng của Zuni đã có tới hàng chục thành viên trong tất cả các môn học”.


Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Giám Đốc Dự Án Zuni.vn, cho biết sau 7 tháng giới thiệu đến người dùng, hiện số lượt truy cập trung bình hàng tháng của Zuni là từ 800.000 đến 1.800.000 lượt. Với lực lượng tham gia đông đảo, cổng GDTT này đã nâng cấp phiên bản, bổ sung tính năng tạo khóa học mở cho phép bất cứ ai chỉ cần có chuyên môn tốt và khả năng làm bài giảng online, đều có thể đăng bài giảng và tạo khóa học trên Zuni. “Nội dung bài giảng trên Zuni sẽ mở rộng trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả các khóa học tâm lý đến các khóa học về kỹ năng sống, chứ không chỉ tập trung ở các môn thi Đại học. Bài giảng sẽ được ban quản trị kiểm duyệt trước để đảm bảo học viên có những khóa học chất lượng”, ông Vinh nói.


Bài ảnh: Hải Yên