06:16 25/06/2018

Học giả Bangladesh đúc kết các yếu tố để Đặc khu Kinh tế thành công

Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu đến năm 2030 thành lập 100 đặc khu kinh tế trên khắp lãnh thổ nước này. Để có bước đi vững chắc, Bangladesh đã tham khảo mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia khác để rút ra những bài học thực tế.

Không thể phủ nhận phát triển kinh tế nhanh và bền vững là vô cùng quan trọng đối với Bangladesh để có thể trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Vai trò quan trọng của Đặc khu kinh tế, với mục tiêu thúc đẩy đầu tư nội địa và đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) là không thể coi nhẹ. Tuy nhiên, để biến sáng kiến về Đặc khu kinh tế thành công, có một vài vấn đề cần được xử lý cẩn trọng.

Một nhà máy sản xuất quần áo may mặc tại Bangladesh. Ảnh: Reuters

Giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Dhaka (Bangladesh), ông Selim Raihan, vào năm 2016 đã phân tích với tờ The Daily Star về những yếu tố cần tham khảo để có thể thành lập và vận hành thành công Đặc khu kinh tế.

Các yếu tố then chốt

Đầu tiên, Đặc khu kinh tế khi đi vào vận hành phải đáp ứng đủ những cam kết đã đưa ra. Cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh trong đặc khu kinh tế phải chiểu theo tiêu chuẩn toàn cầu. Một vấn đề quan trọng liên quan tới việc đẩy nhanh tốc độ thành lập các Đặc khu kinh tế là giải quyết vấn đề đất đai. Với Bangladesh, đây là một thách thức lớn. Ấn Độ cũng từng gặp phải tình trạng tương tự.

Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (OAV) cho biết có gần 200 Đặc khu kinh tế hoạt động tại Ấn Độ, trong đó nhiều đặc khu chưa hoạt động đạt công suất mong đợi. Trong thời kỳ 2013-2014, tổng kim ngạch xuất khẩu từ các Đặc khu kinh tế này là 82,4 tỷ USD – tương đương 1/4 lượng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ (khoảng 314,4 tỷ USD).

Thứ hai, đặc khu kinh tế hướng tới việc thành lập các khu vực hoạt động hiệu quả, phát triển môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế. Nếu có khác biệt trong chất lượng cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh giữa đặc khu kinh tế với toàn bộ nền kinh tế, thì ủng hộ từ bên ngoài sẽ rất cần thiết cho thành công của Đặc khu kinh tế.

Thứ ba, Đặc khu kinh tế cần có sự liên kết với các cảng biển để tận dụng lợi ích địa hình. Do vậy, cơ sở hạ tầng cần cần được cải thiện bền vững. Hơn nữa, chất lượng mạng lưới giao thông, nối giữa đặc khu kinh tế và các cảng biển cần phải được nâng cấp. Do đó, Giáo sư Selim Raihan đánh giá Bangladesh khi thành lập đặc khu kinh tế cần quan tâm đến kết nối với các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á.

Người lao động tại cảng biển Chittagong ở Bangladesh. Ảnh: worldfinance

Thứ tư, Đặc khu kinh tế tại Bangladesh cần hướng tới đa dạng xuất khẩu. Cần nhấn mạnh tới sản xuất các sản phẩm đa dạng và giá trị bổ sung cao. Do đó, các lĩnh vực có tiềm năng về đa dạng kinh tế và hướng tới xuất khẩu cần được ưu tiên tại các Đặc khu kinh tế.

Thứ năm, có nhiều ngành tiềm năng cũng phải đối mặt với vấn đề đặc thù. Nếu những vấn đề này chưa được giải quyết, các ngành này chưa nên nằm trong danh sách ưu tiên nhận cơ hội từ Đặc khu kinh tế.

Thứ sáu, việc quản lý đặc khu kinh tế cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cần phải đảm bảo đơn vị đảm nhiệm chức năng quản lý đặc khu kinh tế phải có đủ khả năng.

Thứ bảy, Chính phủ Bangladesh đã mời Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc hỗ trợ thiết lập các Đặc khu kinh tế. Trên thực tế, những quốc gia này cũng bày tỏ quan tâm tới đề nghị của Bangladesh. Nếu được hiện thực hóa phù hợp, các Đặc khu kinh tế của Bangladesh có tiềm năng nhận FDI bền vững từ Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Cuối cùng, theo Giáo sư Selim Raihan, cần có cam kết mạnh mẽ từ chính giới tại Bangladesh với cải tổ kinh tế và hành chính để phát huy cao mặt tích cực của các Đặc khu kinh tế.

Thực trạng của Bangladesh

Hiện nay, Bangladesh là một nền kinh tế đang phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp Bangladesh trong danh sách những quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá các kinh tế Bangladesh dự kiến tăng trưởng từ 180 tỷ USD năm 2016 (tương đương 7,1%) lên 322 tỷ USD năm 2021 nhờ các Đặc khu kinh tế.

Sau gần một thập niên đứng tại chỗ ở mức 6%, đến tài khóa 2015-2016 tăng trưởng của Bangladesh đã vượt mức 7%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bangladesh trong năm 2017 là 249,86 tỷ USD.

Trong 6 năm qua, Bangladesh là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) hàng đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đầu tư FDI thực vào Bangladesh đã đạt mức 2,65 tỷ USD trong 2016-2017. Trên thực tế, Bangladesh từng gặp khó khăn trong thu hút FDI và đầu tư nội địa do cơ sở hạ tầng yếu kém và môi trường kinh doanh nghèo nàn. 

Một tiểu thương tại Bangladesh. Ảnh: Reuters

Bangladesh luôn ưu tiên đầu tư hơn là vay nợ và tận dụng cơ chế pháp lý để hậu thuẫn điều này. Bangladesh đã thành lập 47 vùng kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh trong nước và nước ngoài.

Các đặc khu kinh tế được đánh giá sẽ góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng trưởng xuất khẩu, tăng ngân sách quốc gia, đa dạng hóa kinh tế, chuyển giao và cải tiến công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), nâng cao tay nghề người lao động, cải thiện thu nhập và đời sống người lao động địa phương...

Ý tưởng về Đặc khu kinh tế xuất phát từ thực tế rằng mặc dù cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của cả nền kinh tế Bangladesh rất khó để cải thiện trong “một sáng một chiều”, song đặc khu kinh tế có thể được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn và đóng vai trò khu vực hiệu quả để giải quyết những vấn đề này. Dự kiến, sẽ có 3 mô hình đầu tư vào Bangladesh gồm Loại A là 100% sở hữu nước ngoài, Loại B bao gồm liên doanh giữa Bangladesh và nhà đầu tư nước ngoài, cuối cùng là Loại C 100% sở hữu của Bangladesh.

Hà Linh/Báo Tin tức