09:16 04/09/2020

Hoạt động của công ty mỏ Trung Quốc đe dọa động vật quý hiếm tại Zimbabwe

Việc hai công ty Trung Quốc được phép khai thác đất tại vườn quốc gia Hwange (Zimbabwe) đã trở thành mối đe dọa mới đối với các loài động vật quý hiếm tại đây.

Chú thích ảnh
Voi và hươu cao cổ sinh sống trong Vườn Quốc gia Hwange. Ảnh: Reuters

Theo báo Anh Guardian, Tập đoàn Khai thác Mỏ than Zhongxin và Afrochine Smelting của Trung Quốc đã được Chính phủ Zimbabwe cho phép bắt đầu thực hiện các quy trình đánh giá tác động môi trường để khoan, giải phóng mặt bằng, làm đường và khảo sát địa chất tại hai địa điểm bên trong Vườn Quốc gia Hwange – hiện là nơi sinh sống của gần 10% số voi hoang dã còn sót lại của châu Phi.

Các nhà bảo tồn động vật cảnh báo nếu như các công ty Trung Quốc tiến hành khai thác, điều này sẽ thu hẹp và làm xáo trộn môi trường sống của nhiều loài động vật quý hiếm như tê giác đen, tê tê và chó hoang, đồng thời phá hủy mô hình du lịch sinh thái safari, vốn là nguồn thu nhập quan trọng cho người dân địa phương.

Vườn Quốc gia Hwange, có diện tích bằng đất nước Bỉ, tự hào là nơi ở của các loài động vật có vú đa dạng nhất trong số các vườn quốc gia trên thế giới.

“Đây là một trong những công viên thiên nhiên lớn nhất trên thế giới. Vậy mà các mỏ khai thác lại nằm tại một trong những khu vực nguyên sơ nhất của công viên. Đó là nơi sống của đàn tê giác đen cuối cùng, của 10.000 con voi và 3.000 con trâu”, ông Trevor Lane làm việc trong tổ chức Bhejane Trust tại Hwange suốt hơn 10 năm cho biết.

“Nếu như hoạt động khai thác tiếp tục, đây sẽ là dấu chấm hết cho vườn quốc gia. Nó sẽ hủy diệt ngành du lịch trị giá hàng trăm triệu USD đối với quốc gia này’, ông Trevor lo ngại.

Ông Trevor bày tỏ hy vọng dự án sẽ bị gác lại và cảnh báo sẽ nổ ra các cuộc biểu tình nếu sự việc tiếp diễn. “Tôi vẫn đang thận trọng trong giai đoạn đầu. Hãy xem chính phủ nói gì. Rất nhiều người sẵn sàng hành động nếu các công ty tiếp tục. Sẽ có một chiến dịch biểu tình phản đối”.

Trước đó, việc thăm dò nằm trong kế hoạch khảo sát địa hóa và địa vật lý nhằm xây dựng các trạm di động dọc đường đến khu vực Deka Safari.

SustiGlobal, đơn vị tư vấn phụ trách đánh giá các tác động môi trường, cho biết Bộ Khai khoáng Zimbabwe đã phê duyệt cho các công ty khảo sát bên trong công viên, điều mà thông thường bị cấm thực hiện.

Oliver Mutasa, cố vấn môi trường của SustiGlobal, cho hay: “Chúng tôi đã vượt qua giai đoạn lên kế hoạch. Chúng tôi hiện tiến hành đánh giá tác động môi trường và sẽ tiếp nhận góp ý từ các bên liên quan. Sau đó chờ Bộ phê duyệt thì mới khoan”.

Truyền thông địa phương cho biết việc cấp phép cho các công ty Trung Quốc được Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa phê duyệt. Nhà lãnh đạo này từng nhiều lần thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với nguồn tài nguyên than đá. Năm vừa qua, Tổng thống Mnangagwa đã tới thị sát công trình xây dựng của một nhà máy nhiệt điện ở Hwange dự kiến mở cửa vào tháng 10.

Các nhà bảo tồn động vật cho biết nhóm khảo sát đã bắt đầu lấy mẫu khi chưa được phép. Một tháng trước, nhóm giám sát tê giác của Bhejane Trust báo cáo họ bắt gặp một đội khảo sát Trung Quốc thực hiện khoan mà không có sự tham vấn của quản lý khu vực.

Ông Stephen Long của Bhejane Trust chỉ ra các mỏ khai thác của Trung Quốc sẽ mang lại tiếng ồn và ô nhiễm. “Đã có rất nhiều hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào nguồn tài nguyên than ở khu vực Hwange bên ngoài công viên. Phần lớn các hoạt động gây ô nhiễm nặng nề… Người dân Zimbabwe không nhận thấy nhiều lợi ích từ các mỏ khai thác”, Stephen giải thích.

Năm nay, người dân sinh sống làng Lukosi gần Vườn Quốc gia Hwange đã đệ đơn trình báo về tình trạng ô nhiễm không khí và nước của các công ty khai thác khác dọc theo đường Nekabandama và thượng nguồn sông Deka.

Bảo Hà/Báo Tin tức