09:12 11/09/2014

Hoạt động của các Ban Chỉ đạo

Tại Lào Cai, Hội nghị giao ban Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Bắc với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND các tỉnh vùng Tây Bắc đã được tổ chức. Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu theo Quyết định 718 của Chính phủ;

* Tại Lào Cai, Hội nghị giao ban Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Bắc với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND các tỉnh vùng Tây Bắc đã được tổ chức. Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu theo Quyết định 718 của Chính phủ; đồng thời, triển khai nhiệm vụ củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở các xã trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 - 2018. 


Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc trong hệ thống chính trị cơ sở là nhiệm vụ khó khăn lâu dài đòi hỏi phải đi từng bước.

 

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND các tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó, tăng cường công tác trao đổi thông tin dưới nhiều hình thức. Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất để phục phụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban.


* Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 52 dự án/62 dự án đầu tư khai hoang và tổ chức trồng được 6.938 ha/12.481 ha, đạt 50% kế hoạch. Ngoài ra, có 34 xã thuộc 5 huyện: Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Đam Rông đã tham gia trồng 3.468 ha cao su tiểu điền (trong đó, trồng cao su tiểu điền trên đất nông nghiệp 2.856 ha; trồng tiểu điền trên đất lâm nghiệp không có rừng do chủ rừng khoán cho hộ gia đình theo các chính sách khoán đất lâm nghiệp là 612 ha). Các dự án bước đầu đã góp phần thu hút 1.700 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương vào làm việc (mỗi lao động cạo mủ trên diện tích 3 ha, thu nhập bình quân 150.000-200.000 đồng/ha/ngày).


* Vừa qua, tại thành phố Cần Thơ, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về tình hình thực hiện chính sách xã hội và thực trạng di cư tự phát vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, cùng với sự phát triển công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, thì thời gian qua lực lượng lao động trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuyển dịch rất lớn đến các vùng công nghiệp như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... để làm ăn, sinh sống. Vấn đề di dân tự phát trong vùng là vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện tại vùng vẫn chưa thể tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế về vấn đề di dân tự phát nên chưa có nhiều thông tin để đánh giá chính xác về vấn đề này. Thời gian tới Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo bàn về thực trạng di dân tự phát để tìm ra giải pháp bố trí dân cư theo hướng phát triển bền vững…


Lục Văn Toán - Hồng Anh - Thanh Sang