03:09 08/03/2011

Hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

"Chuyện nghề của nữ nhà báo Thông tấn" là chủ đề cuộc tọa đàm do TTXVN tổ chức ngày 7/3 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay.

"Chuyện nghề của nữ nhà báo Thông tấn" là chủ đề cuộc tọa đàm do TTXVN tổ chức ngày 7/3 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay.


Các đồng chí trong Ban lãnh đạo TTXVN, đại diện các Ban biên tập, tòa soạn cùng nhiều khách mời đã tới dự buổi tọa đàm, cùng chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời với các nữ nhà báo đang làm việc tại TTXVN.

Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng, đồng thời là Trưởng ban Vì sự phát triển của phụ nữ TTXVN đã khẳng định, các thế hệ nhà báo nữ của TTXVN đã đóng góp rất nhiều công sức và cả xương máu cho sự phát triển của ngành. Đó là truyền thống rất đáng tự hào của các nữ nhà báo TTXVN được tiếp nối từ ngày đầu thành lập TTXVN cho tới nay.

Nữ phóng viên Ban Tin thế giới (TTXVN) Hoàng Minh Nga phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN


Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, TTXVN có gần 260 nhà báo hy sinh trên chiến trường, trong đó có 11 nhà báo nữ. Những cái tên như Phạm Thị Kim Oanh, Phạm Thị Đệ, Nguyễn Thị Mai... luôn được khắc ghi trong những trang vàng lịch sử của TTXVN. Ngày nay, ở tất cả các loại hình thông tin thông tấn ở trong nước cũng như các phân xã nước ngoài đều có sự hiện diện của các nữ nhà báo. Họ đều nhiệt huyết với công việc, yêu nghề, luôn năng động, sáng tạo vì nghề nghiệp, chịu khó lăn lộn trên các nẻo đường biên giới, vượt sóng to gió lớn tới Trường Sa, lăn xả vào vùng dịch bệnh, điểm "nóng" về xã hội... không thua kém các đồng nghiệp nam giới để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của TTXVN.

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe tâm sự của nhiều nhà báo về chuyện nghề nghiệp chuyên môn tại TTXVN cũng như chăm sóc gia đình. Nhà báo Trương Lê Kim Hoa hiện đang là Phó Tổng biên tập thường trực báo Thể thao & Văn hóa tâm sự, với một phó tổng biên tập là nam giới điều hành một tờ báo như Thể thao & Văn hóa với ấn phẩm hàng ngày, tuần báo, báo điện tử, truyền hình đã là cả một vấn đề khó khăn, nhiều thách thức. Với nữ giới khi đảm nhiệm công việc này còn khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi với phụ nữ không chỉ có công việc mà còn có tình thương, trách nhiệm với gia đình riêng. Nhà báo Đoàn Thị Minh Huệ, hiện đang là Trưởng phân xã TTXVN tại Hải Phòng lại chia sẻ những mối lo toan, kinh nghiệp thu xếp cuộc sống gia đình, con nhỏ khi một mình đi thường trú nơi xa nhà. Nhà báo nữ Nguyễn Thị Thúy, Phó trưởng phòng Tin Văn hóa Xã hội, Ban biên tập Tin trong nước cũng chia sẻ kinh nghiệm 20 năm theo dõi ngành y tế, đối mặt với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm mới xuất hiện ở nước ta...

* Bình Dương:
Hội LHPN huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã trao 3 mái ấm tình thương cho 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong huyện; đồng thời tổ chức họp mặt, thi nấu ăn và đưa cán bộ, hội viên… Hội LHPN huyện Phú Giáo đã tổ chức họp mặt truyền thống và tổ chức thi nấu ăn với chủ đề “Ẩm thực 3 miền” thu hút 13 đơn vị trong huyện tham gia. Dịp này, Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến cũng miễn phí vé vào cổng, vé các khu vui chơi cho khách nữ đến tham quan trong ngày 8/3, đồng thời Khu du lịch còn có chương trình ca nhạc với chủ đề “Phụ nữ đảm đang thời nay”.

* An Giang: Ngày 7/3, tỉnh An Giang đã họp mặt với gần 300 đại biểu nữ tiêu biểu 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer là những cán bộ nữ đương chức, đã nghỉ hưu, nữ doanh nghiệp, Hội viên Hội phụ nữ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Thời gian qua, An Giang đã quan tâm chăm lo đặc biệt cho phụ nữ, tạo điều kiện tốt cho chị em phát huy quyền làm chủ, bình đẳng giới. Bình quân mỗi năm, tỉnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lượt phụ nữ trong tỉnh, 100% phụ nữ nghèo được ưu tiên giúp đỡ xóa đói giảm nghèo, tiếp cận với các dịch vụ y tế chăm sóc tốt sức khỏe… Đã xuất hiện nhiều tập thể phụ nữ với những phong trào thi đua hiệu quả như Tổ phụ nữ Khmer Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) giúp nhau làm kinh tế giỏi; phụ nữ Chăm huyện An Phú với mô hình “Phụ nữ 5 không 3 sạch”; Phong trào nước sạch vệ sinh môi trường của phụ nữ Khmer huyện Tri Tôn; Phụ nữ huyện Chợ Mới với phong trào an toàn giao thông… An Giang đã có trên 76.000 phụ nữ được công nhận “Phụ nữ 2 giỏi”.

* Điện Biên:
Sau 4 ngày thi đấu sôi nổi, hào hứng, tối 6/3, đêm chung kết Hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng” lần thứ 3 năm 2011 do Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên tổ chức đã khép lại với nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người xem. 20 thí sinh - nữ giáo viên lọt vào đêm chung kết này là những thí sinh có phần thi xuất sắc, ấn tượng và đạt số điểm cao nhất qua 3 phần thi trước đó: Phần thi trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam; phần thi trang phục tự chọn và phần thi tài năng.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức, Ban giám khảo đã lựa chọn và trao tổng số 7 giải toàn năng (1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba). Cô giáo - thí sinh Nguyễn Thị Hạnh (phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé) đoạt giải nhất toàn năng của hội thi lần này. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 9 giải nhất ở các nội dung khác gồm: Thí sinh trình diễn áo dài truyền thống đẹp nhất, thí sinh có trang phục tự chọn đẹp nhất, thí sinh ứng xử hay nhất, thí sinh có khuôn mặt đẹp nhất, thí sinh là người dân tộc thiểu số có điểm số cao nhất…

Tính đến cuối năm 2010, toàn ngành Thông tấn có trên 900 phóng viên, biên tập viên trong đó nữ giới chiếm 45%. Có những đơn vị, tòa soạn, ban biên tập, đội ngũ phóng viên, biên tập viên là nữ giới chiếm tỷ lệ áp đảo như Ban biên tập Tin trong nước, Ban Biên tập Tin thế giới, Trung tâm truyền hình thông tấn, Trung tâm dữ kiện tư liệu...

* TP.HCM: Ngày 7/3, tại Hội Nhà báo TP.HCM diễn ra hội thảo “Nhà báo nữ và nghề báo hiện đại” do Tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo TP.HCM) và Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố tổ chức đặc biệt dành tặng các nữ nhà báo nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Đây cũng là buổi gặp mặt giao lưu giữa các nhà báo, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tác nghiệp của nữ giới.

* Vĩnh Long:
Từ hiệu quả mô hình “nuôi heo đất” tiết kiệm giúp phụ nữ (PN) nghèo đạt hiệu quả cao của 2 xã Trung Nghĩa huyện Vũng Liêm và xã Nhơn Bình huyện Trà Ôn, đến tháng 3/2011, sau 3 năm nhân rộng, các cấp Hội Liên hiệp PN tỉnh Vĩnh Long đã vận động hội viên tiết kiệm nuôi được gần 12.100 con heo đất với số tiền gần 3,7 tỷ đồng giúp cho trên 1.130 PN nghèo được giúp vốn làm ăn, buôn bán, phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, 100% Ban chấp hành Hội PN cơ sở và chi, tổ hội PN tổ chức nuôi heo đất tiết kiệm. Hàng năm, đúng ngày thành lập HLHPN Việt Nam 20/10, các cấp hội tổ chức mổ heo đất và trao tiền vốn giúp PN nghèo. Đây là việc làm có ý nghĩa thể hiện tình tương thân, tương ái, sẻ chia với PN khó khăn, đặc biệt là các chị PN đơn thân, PN khuyết tật… có điều kiện xây, sửa nhà, phát triển kinh tế, tự tin vượt khó.

TTN