09:07 26/09/2014

Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh

Từ năm 2016, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 2 sản phẩm chứng khoán phái sinh gồm: Hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ và Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán.

Từ năm 2016, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 2 sản phẩm chứng khoán phái sinh gồm: Hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ và Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán.


Sẽ đi vào hoạt động năm 2016


Ngày 25/9 tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Ban Biên tập tin Kinh tế (TTXVN) và UBCKNN đã tổ chức Hội thảo khung pháp lý về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tại Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Nguyễn Thành Long, để vận hành TTCK phái sinh thì cần hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng 2 mục tiêu lớn: Triển khai sản phẩm an toàn, bảo vệ tốt nhất lợi ích cho nhà đầu tư; bảo đảm sự quản lý hiệu quả của Nhà nước.

 

Một buổi giao dịch tại sàn chứng khoán BVSC.Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Điểm đáng chú ý, thị trường chứng khoán phái sinh khác biệt so với thị trường chứng khoán cơ sở ở một khía cạnh đặc biệt quan trọng, đó là thị trường cơ sở tạo cơ hội cho nhà đầu tư tạo lợi nhuận, trở thành kênh huy động và phân bổ vốn dài hạn phục vụ cho nền kinh tế. Để nhà đầu tư có thể yên tâm chuyển dòng vốn nhàn rỗi thông qua TTCK cho phát triển nền kinh tế, thì cần phải phát triển mảng thị trường mới nhằm mục đích bảo vệ lợi nhuận cho nhà đầu tư và đó chính là thị trường chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên giới chứng khoán cũng cho rằng: Thực tế, sản phẩm chứng khoán phái sinh là sản phẩm rất phức tạp và bản thân các sản phẩm đó lại tiềm ẩn những rủi ro.


Theo dự thảo Nghị định, Chính phủ thống nhất quản lý thị trường phái sinh. Bộ Tài chính tổ chức, quản lý TTCK phái sinh niêm yết, quản lý hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán của các công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động giao dịch sản phẩm phái sinh không niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là tỷ giá, lãi suất, ngoại hối hoặc các công cụ tiền tệ khác theo quy định của pháp luật ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), so với dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được UBCK công bố lấy ý kiến thành viên thị trường thời gian qua, đến nay Ban soạn thảo đã cập nhật một số nội dung mới và đang trong giai đoạn lấy ý kiến lần cuối để trong quý IV/2014, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành.


Ông Nguyễn Sơn cho hay: Từ năm 2016 dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 2 sản phẩm chứng khoán phái sinh gồm: Hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ và Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán. Các năm tiếp theo sẽ áp dụng hợp đồng tuyển chọn dựa trên các sản phẩm này, cổ phiếu và các sản phẩm chứng khoán khác. Sau nữa sẽ tập trung thống nhất công cụ tài chính chứng khoán phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở chứng khoán, chỉ số, và công cụ tiền tệ: lãi suất, tỷ giá, ngoại hối vàng và công cụ chứng khoán phái sinh dựa trên sản phẩm hàng hóa.


Theo UBCKNN, các công ty chứng khoán (CTCK) muốn tự doanh chứng khoán phái sinh phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng trở lên, đáp ứng các điều kiện về tình hình tài chính, nhân sự, công nghệ, được UBCK chấp thuận bằng văn bản... Muốn triển khai nghiệp vụ môi giới chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên.


Theo ông Giang, khi vận hành TTCK phái sinh, sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trên nhiều mặt đối với TTCK Việt Nam. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài không còn chịu khống chế về tỷ lệ sở hữu; cơ chế giao dịch tự do hơn nhiều so với thị trường cơ sở do không phải đợi T+3 chứng khoán mới về tài khoản... Để thích ứng với sự thay đổi này, CTCK phải thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị rủi ro, cơ cấu tổ chức nhân sự.


Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và hiệu quả quản lý nhà nước


Theo Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Anh Phong, khác với chứng khoán cơ sở do tổ chức phát hành nộp hồ sơ niêm yết lên HNX, hồ sơ niêm yết chứng khoán phái sinh phải nộp cho UBCKNN. Sau khi UBCKNN cấp phép niêm yết, chứng khoán phái sinh sẽ được niêm yết, giao dịch trên Sở GDCK. Tham gia TTCK phái sinh có thành viên giao dịch và thành viên giao dịch đặc biệt. Thành viên giao dịch là các CTCK đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ môi giới, tự doanh và yêu cầu tài chính, được chấp thuận về nguyên tắc là thành viên bù trừ của VSD... Thành viên giao dịch đặc biệt là các ngân hàng thương mại (thành viên trên thị trường trái phiếu), đáp ứng yêu cầu về tài chính, có nghiệp vụ tự doanh; được UBCK chấp thuận cho thực hiện hoạt động thanh toán, bù trừ và đã được Trung tâm lưu ký chứng khoán chấp thuận nguyên tắc là thành viên bù trừ, thành viên bù trừ trực tiếp.


Phó Tổng Giám đốc CTCK TP Hồ Chí Minh Trịnh Hoài Giang nói: “Ngoài các quy định ở tầm nghị định, thông tư, điều các CTCK quan tâm là bao giờ Sở GDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán sẽ xây dựng và công bố dự thảo về quy chế giao dịch; thanh toán, bù trừ... để CTCK lên kế hoạch xây dựng quy trình tác nghiệp, cũng như đầu tư cho hệ thống công nghệ giao dịch”. Đại diện Công ty đề xuất: Dự thảo nghị định và thông tư cần đưa ra quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của CTCK trong quản lý tiền của nhà đầu tư để tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch chứng khoán phái sinh và bảo đảm an toàn hệ thống.


Minh Phương