06:09 13/06/2014

Hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó có việc đầu tư xây dựng các công trình cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên... việc đầu tư xây dựng các công trình này đòi hỏi sự đồng bộ và có trọng điểm.

Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó có việc đầu tư xây dựng các công trình cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên, để hỗ trợ đắc lực cho ngư dân giữ nghề, bám biển, việc đầu tư xây dựng các công trình này đòi hỏi sự đồng bộ và có trọng điểm.


Quy hoạch bến, cảng cá


Liên tiếp trong hai năm 2010 và 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá; điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020.

 

 

Tàu thuyền ngư dân cập cảng cá Quy Nhơn để tiêu thụ sản phẩm.
Ảnh: Ly kha - TTXVN


Theo ông Phạm Tuấn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), kết quả triển khai thực hiện chương trình này đến nay cho thấy, trên tuyến bờ, có 65/178 cảng, bến cá được đầu tư xây dựng; trên các tuyến đảo cũng đã có 18/33 cảng cá được hoàn thiện. Các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá các tỉnh ven biển và hải đảo được đầu tư xây dựng cũng đã là 75/131 khu, trong đó có 13 khu neo đậu cấp vùng và 62 khu neo đậu cấp tỉnh. Các tuyến đảo cũng đã đầu tư xây dựng 12/16 khu tránh trú bão cho tàu cá.


Đánh giá về vai trò của hệ thống cảng cá này, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hàng năm, các cảng này đã đón khoảng 82.000 tàu cá cập cảng với lượng thủy sản lên đến 1,6 triệu tấn. Việc đầu tư những công trình này cho ngư dân đã góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khai thác thủy sản cũng như nhu cầu neo đậu tàu thuyền, giúp ngư dân giảm được thiệt hại khi có gió bão.


Ông Phạm Tuấn Ngọc cho biết thêm, việc đầu tư hỗ trợ phương tiện thông tin liên lạc cho các tàu thuyền của ngư dân cũng đã được triển khai trong thời gian qua. Cụ thể, các địa phương đã hoàn thành giai đoạn thí điểm lắp đặt 7.000 máy thu trực canh cho ngư dân; gắn thiết bị cho 3.000 tàu cá để thu phát tín hiệu từ vệ tinh về hoạt động của tàu cá theo MOVIMAR (hỗ trợ thiết bị giám sát tàu cá). Các tàu được trang thiết bị sẽ nhận được thông tin dự báo thời tiết, dự báo ngư trường, tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần, các thông tin tránh trú bão và các thông tin quan trọng khác từ cơ quan quản lý thủy sản trong bờ. Các địa phương cũng đã lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho trên 1.000 tàu cá.


Cần đầu tư đồng bộ


Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng nghề cá đã được quan tâm đầu tư xây dựng, song thực tế, tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Đến nay, việc đầu tư xây dựng các công trình này mới đạt 50% theo quy hoạch. Thậm chí, một số công trình rơi vào tình trạng quá tải, xuống cấp, luồng lạch bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Tại một số cảng, tàu muốn ra vào phải căn cứ vào con nước, khiến chủ tàu mất nhiều thời gian và chi phí đi lại.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay, Nhà nước đã đầu tư 1.475 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá xa bờ, với số tàu có công suất 90 CV trở lên là 1.365 tàu. Các chương trình hỗ trợ về tín dụng đã góp phần phát triển đội ngũ tàu cá có đủ điều kiện tham gia hoạt động trên các vùng biển xa bờ với khoảng 6.000 tàu của 20/28 tỉnh, thành ven biển.


Trong khi đó, các cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền ở các địa phương chưa được quy hoạch, quy mô của hầu hết các xưởng còn nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và yếu. Các cơ sở này chủ yếu đóng tàu nhỏ và tàu gỗ theo mẫu và kinh nghiệm dân gian.


Đề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng: Việc xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ với quy chuẩn riêng. Tuy nhiên, trên thực tế việc bố trí vốn đầu tư mới chỉ tập trung vào các hạng mục cơ bản như xây đê kè chắn sóng, chắn cát, trụ treo nối bờ, trụ treo độc lập, phao neo. Đã thế, hiện cũng chưa có các tiêu chuẩn làm căn cứ lập dự án khu neo đậu tránh trú bão, mà phải áp dụng một số tiêu chuẩn của ngành giao thông, thủy lợi. Chính vì vậy, các dự án đầu tư xây dựng chưa sát với đặc thù công trình khu neo đậu tàu thuyền nghề cá. Đặc biệt, các khu neo đậu tránh trú bão ở miền Trung chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.


Theo kiến nghị của cử tri nhiều địa phương, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh vùng biển để lựa chọn ra những công trình trọng điểm, cấp thiết và tập trung bố trí vốn cho các công trình này. Khi được đầu tư xây dựng, các công trình này cần được triển khai một cách đồng bộ, dứt điểm và hiệu quả, chứ không chỉ tập trung cho các hạng mục cơ bản.
Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, ngành thủy sản sẽ đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghề cá một cách đồng bộ. Theo đó, đến năm 2020, cả nước sẽ có tổng công suất kho lạnh đạt 1,1 triệu tấn. Cùng với đó, 13 chợ đầu mối thủy sản cũng sẽ được đầu tư xây dựng; quy hoạch các trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Kiên Giang. Các địa phương có thế mạnh về thủy sản cũng xây dựng các nhà máy chế biến với tổng công suất trên 2 triệu tấn/năm.

 

Riêng về khu neo đậu tàu thuyền, trước mắt, ngành thủy sản tập trung nâng cấp, đầu tư xây dựng các công trình này tại các tuyến đảo quan trọng như: Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Tre, Phú Quốc, Thổ Chu và quần đảo Trường Sa. Cùng với đó, ngân sách Nhà nước cũng đầu tư cho hệ thống công nghiệp cơ khí, hậu cần, dịch vụ nghề cá để nâng cấp các cơ sở đóng mới, sữa chữa tàu thuyền, các cơ sở sản xuất ngư lưới cụ, sản xuất nước đá...

 

Minh Hải