03:10 30/03/2011

Hoàn thiện công nghệ cơ giới hóa khai thác vỉa dày, dốc ở các mỏ than hầm lò

Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước vừa tiến hành nghiệm thu dự án “Hoàn thiện công nghệ cơ giới hóa khai thác các vỉa dày, dốc đến 35º bằng giàn chống tự hành chế tạo tại Việt Nam ở các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”

Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước vừa tiến hành nghiệm thu dự án “Hoàn thiện công nghệ cơ giới hóa khai thác các vỉa dày, dốc đến 35º bằng giàn chống tự hành chế tạo tại Việt Nam ở các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh” (mã số KC.06.DA22/06-10).

Cơ giới hóa phục vụ khai thác vỉa dày. Ảnh: Internet

Trong những năm qua, sự tăng trưởng mạnh về sản lượng than tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh là kết quả của quá trình triển khai áp dụng rộng rãi vì chống thủy lực thay thế cột chống gỗ. Tuy nhiên, phần lớn các mỏ hầm lò vẫn áp dụng công nghệ khai thác có mức độ cơ giới hóa thấp với phương pháp khấu than bằng khoan nổ mìn thủ công, dẫn đến sản lượng khai thác và năng suất lao động chưa cao, cũng như công tác đảm bảo an toàn lao động trong khai thác và chống giữ gương lò chợ còn ở mức trung bình. Để nâng cao năng suất khai thác than tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh, dự án nhà nước KC.06.DA22/06-10 do KS. Đoàn Văn Kiển – Viện KHCN Mỏ - Vinacomin làm chủ nhiệm, đã được triển khai.

Mục tiêu của dự án là hoàn thiện, thiết kế, chế tạo giàn chống tự hành trong nước, đảm bảo tiêu chuẩn TCVN và các tiêu chuẩn của thiết bị có đặc tính tương đương sản xuất tại nước ngoài, phù hợp với điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ vùng Quảng Ninh, đồng thời áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác sử dụng giàn chống tại một lò chợ thuộc mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh nhằm tăng công suất khai thác, nâng mức độ an toàn và cải thiện điều kiện của người lao động.

Dự án đã nghiên cứu thành công khối lượng lớn các sản phẩm, trong đó phải kể đến 80 bộ giàn chống có kết cấu hạ trần than nóc, phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ khu vực Than Thùng, Công ty than Nam Mẫu với giá trị kết cấu cơ khí chiếm 52,7% giá trị giàn chống. Ngoài ý nghĩa về khoa học, kết quả nghiên cứu của dự án còn có tác động đối với kinh tế xã hội thông qua việc tăng sản lượng, năng suất lao động và quy mô khai thác than, đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện lao động của công nhân khai thác than hầm lò. Trên cơ sở đó góp phần tạo việc làm, phát triển ngành sản xuất cơ khí trong nước, đồng thời chủ động trong việc đáp ứng yêu cầu thiết bị phục vụ ngành khai thác than.

Hồng Ninh