07:12 30/07/2019

Hoàn thiện chế độ pháp lý về hôn nhân và gia đình theo hướng nhân văn hơn

Sáng 30/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cách tiếp cận mới về bảo vệ quyền con người

Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ: Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Đạo luật quan trọng này được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó nhấn mạnh việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân.

Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Luật ra đời đã góp phần hoàn thiện chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, tiếp tục hoàn thiện chuẩn mực pháp lý theo hướng nhân văn hơn, cải cách ứng xử giữa các thành viên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, nâng cao nhận thức, cách tiếp cận mới về tôn trọng, thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Nhận thức được ý nghĩa quan trọng này, ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, các ban, ngành, địa phương đã tích cực, triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động thi hành Luật cả về thể chế, thực hiện quản lý Nhà nước… Hội nghị là dịp để các đại biểu đánh giá toàn diện, cụ thể về những kết quả đã đạt được sau hơn 3 năm thi hành Luật, nêu lên khó khăn trong quá trình thực thi, trao đổi làm rõ nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, đảm bảo quy định của Luật đi vào cuộc sống.

Báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, về cơ bản, những chính sách lớn của Luật về các quyền nhân thân, tài sản trong quan hệ hôn nhân và gia đình đã được thể chế hóa tương đối đầy đủ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công nhận, bảo vệ quyền về hôn nhân và gia đình của người dân đã hiệu quả hơn, đồng bộ, thống nhất với pháp luật về hộ tịch, tố tụng và pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Hải, một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi, như trong áp dụng tập quán, trong hoàn thiện cơ chế đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và giao dịch liên quan… Một số quy định có tính tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng do còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tập quán, văn hóa truyền thống nên còn có nhận thức khác nhau trong triển khai thi hành, ví dụ về áp dụng tập quán, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chế độ tài sản theo thỏa thuận, thanh toán tài sản dựa trên cơ sở lỗi khi ly hôn...

Còn khoảng trống pháp lý

Thảo luận tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu đã chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi Luật. Các đại biểu cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình rất đa dạng, phức tạp, sửa đổi, bổ sung thường xuyên. Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được đưa vào Luật dẫn tới có những khoảng trống pháp lý nhất định.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết, các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt. Các vụ việc ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ (độ tuổi từ 28-35), thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung – riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty,… hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng. Các tranh chấp về hôn nhân và gia đình có nguyên nhân chủ yếu do bất đồng về quan điểm, lối sống, khó khăn về kinh tế hoặc vì lý do một bên ngoại tình, không quan tâm chăm sóc bên còn lại hoặc con cái…

Dẫn chứng về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn (Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình), đại diện Toà án nhân dân tối cao cho rằng, Luật chưa có quy định cụ thể về hoàn cảnh của mỗi bên, tỷ lệ chia tài sản theo công sức đóng góp dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn.

Theo đó, Luật quy định: Tài sản của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: “Lỗi của mỗi bên trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Điều luật này được hiểu nếu bên nào “có lỗi” thì khi ly hôn tài sản được chia sẽ ít hơn. Quy định này khó áp dụng trong thực tế vì căn cứ để xác định lỗi của vợ hoặc chồng là khá trừu tượng. Ví dụ, hai bên đều trình bày bên kia có lỗi với bản khai rất nhiều lỗi khác nhau, như:  ngoại tình, đánh chửi, cãi nhau, không quan tâm, mâu thuẫn về quan điểm sống, về kinh tế... Trong thực tế, phần lớn chỉ có lời khai, rất ít vụ án có chứng cứ vật chất để chứng minh. Do vậy, quy định này khó áp dụng trong thực tế.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ rõ, phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong quá trình ly hôn, đặc biệt những vụ việc mà phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.  Cụ thể, Luật quy định “bạo lực gia đình” hoặc "vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng" là căn cứ để giải quyết cho ly hôn nếu nó làm cho hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Đây đều là các quy định mang tính khái quát cao, nếu không có hướng dẫn sẽ rất khó áp dụng đúng, chính xác và thống nhất khi giải quyết ly hôn... Bên cạnh đó, theo bà Bùi Thị Hòa, một số quy định liên quan đến hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chưa thực sự đảm bảo hôn nhân lành mạnh, tiến bộ trong bối cảnh môi giới kết hôn trái phép còn tồn tại, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội.

Từ thực tế này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong đó quy định: “bạo lực gia đình” như thế nào thì được coi là “có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình”, hành vi nào được coi là “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”; quy định về nguyên tắc cách tính yếu tố lỗi khi chia tài sản chung; quy định nạn nhân bạo lực gia đình được ưu tiên giao trực tiếp trông nom, chăm sóc con... Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cần ban hành Thông tư liên tich hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong đó, quy định một quy trình đặc biệt để giải quyết các vụ ly hôn do bạo lực gia đình nghiêm trọng, với thời hạn rút ngắn, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Nhiều đại biểu đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan tiếp tục tăng cường công tác hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa đầy đủ quy định, nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật hôn nhân và gia đình.

Phan Phương (TTXVN)