Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1150/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; phê duyệt kèm theo Quyết định này là Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Người dân đăng kí khám chữa bệnh bằng căn cước công dân. Ảnh tư liệu: Đồng Thúy/TTXVN
Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhằm mục tiêu đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc theo đúng Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh triển khai triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Y tế nhấn mạnh, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này, ưu tiên nguồn lực, huy động sự tham gia thực hiện của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, quyết liệt triển khai, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ tại tất cả các bệnh viện, viện có giường bệnh trên toàn quốc, hoàn thành trong tháng 9/2025, theo Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 14/3/2025.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử bảo đảm thực chất, đem lại hiệu quả cụ thể, nâng cao năng suất, chất lượng công tác khám, chữa bệnh, phòng bệnh, mang lợi ích thiết thực cho người bệnh, người dân, cơ sở y tế; đảm bảo sự liên thông, chia sẻ dữ liệu của hồ sơ bệnh án điện tử giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan theo quy định; đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo quy định.
Ngày 11/4, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng (Đợt 1). Việc ban hành danh mục này nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Gọi tắt là Đề án 06/CP) và thực hiện lộ trình chuẩn hóa danh mục xét nghiệm y tế, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, nhằm hướng đến việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, làm cơ sở để thúc đẩy bệnh án điện tử trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn hóa dữ liệu ngành y tế.
Tổng số có 2.964 chỉ số được ban hành đợt này, bao gồm Huyết học - Truyền máu: 1.022 chỉ số; Hóa sinh: 447 chỉ số; Vi sinh: 174 chỉ số; Giải phẫu bệnh: 81 chỉ số; Điện quang: 1.240 chỉ số.
Danh mục mã này được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc bao gồm toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân.
Việc ban hành Quyết định này là nội dung quan trọng và có ý nghĩa rất lớn vì việc liên thông dữ liệu xét nghiệm sẽ góp phần giảm chi phí cận lâm sàng cho người bệnh, hạn chế việc làm lại xét nghiệm không cần thiết, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người bệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Liên quan đến thực hiện bệnh án điện tử trong ngành y tế, trước đó (giữa tháng 3/2025), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã có văn bản về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, trong đó yêu cầu lãnh đạo nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số.
Bộ trưởng yêu cầu tăng cường chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID), trao đổi dữ liệu y tế giữa các cơ sở y tế, giữa các tuyến; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phân tích xu hướng dịch bệnh.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh: Ưu tiên nguồn lực, khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2025), sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, trao đổi dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế giữa các tuyến, Phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh điện tử, Phiếu hẹn khám lại điện tử, tái sử dụng kết quả xét nghiệm; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh trong việc khám, chữa bệnh như sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, nhận dạng sinh trắc học, đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; Đẩy mạnh triển khai y tế từ xa, đơn thuốc điện tử; kết nối, chia sẻ, đồng bộ cơ sở dữ liệu giữa các hệ thống thông tin sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh...
Trước đó, vào đầu tháng 2/2025, chia sẻ về lợi ích của bệnh án điện tử, chuyển đổi số, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bạch Mai trở thành bệnh viện Hạng đặc biệt đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế triển khai thành công bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám chữa bệnh "toàn trình" không dùng giấy tờ từ ngày 15/11/2024. “Chỉ tính riêng việc không in phim chụp XQ, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ và không in các giấy chỉ định xét nghiệm, giấy trả kết quả, hồ sơ bệnh án điều trị…, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai tiết kiệm được gần 80 tỷ đồng. Số tiền này tiếp tục được đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ, chuyển đổi số của bệnh viện”.
Bệnh án điện tử và chuyển đổi số trong y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Bệnh viện, trong đó có 4 lợi ích cụ thể như: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Tối ưu hóa quy trình chuyên môn khám chữa bệnh và tiết kiệm chi phí; Nâng cao trải nghiệm người bệnh và thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ dữ liệu của bệnh án điện tử là nguồn tài nguyên quý giá cho các nghiên cứu y học, giúp phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả. Cùng đó chuyển đổi số tạo điều kiện cho việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong y tế, mang lại những đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Bệnh viện Bạch Mai đã bước đầu đạt được một số thành công trong việc áp dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác khám, chữa bệnh; đặc biệt là Hệ thống Ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư phổi được phát triển từ đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán ung thư phổi qua phân tích ảnh CT lồng ngực, ảnh nội soi phế quản ống mềm và ảnh mô bệnh học" do Bệnh viện Bạch Mai chủ trì, phối hợp cùng với các Bệnh viện, các trường đại học triển khai thực hiện thành công…