12:13 16/12/2010

Hoan hô Ấn Độ!

Việc Ấn Độ bất ngờ thay đổi chính sách chống biến đổi khí hậu đã nhen nhóm lên những hy vọng về sự thành công nào đó tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Cancun, Mêhicô.

Việc Ấn Độ bất ngờ thay đổi chính sách chống biến đổi khí hậu đã nhen nhóm lên những hy vọng về sự thành công nào đó tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Cancun, Mêhicô.

Toàn cảnh Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu.

Còn nhớ tại Hội nghị Copenhagen năm ngoái, chính Ấn Độ và Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối các biện pháp ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên, với lý do rằng các nước giàu phải chịu trách nhiệm lịch sử về sự biến đổi khí hậu. Nhưng tuyên bố tại Cancun, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jairam Ramesh nói rằng, Ấn Độ "sẵn sàng hướng tới một thỏa thuận mang tính chất ràng buộc pháp lý trong tương lai" bởi "tất cả các nước phải thực thi các cam kết ràng buộc trên cơ sở tuân thủ luật pháp". Mặc dù thỏa thuận tương lai này còn chưa định hình nhưng sự thay đổi quan điểm của Ấn Độ được hy vọng sẽ tạo đà cho thế giới một quyết tâm chính trị cao hơn nữa để sớm đi đến một thỏa thuận có thể thay thế Nghị định thư Kyoto về chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những loại hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, gây ra thiệt hại ngày càng khủng khiếp đối với môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên hành tinh, tìm kiếm hành động tập thể để "làm mát" Trái Đất đang trở thành yêu cầu cấp bách không phải đối với chỉ riêng nước nào. Đề xuất của Liên minh châu Âu "gia hạn" Nghị định thư Kyoto nếu như đến cuối năm 2012 vẫn chưa có được một thỏa thuận mới không nhận được sự đồng tình vì tính "không công bằng" của nó. Nghị định thư Kyoto yêu cầu các nước giàu phải cắt giảm khí thải CO2, nhưng hai nước thải khí CO2 lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc thì Mỹ đã từ chối nghị định thư này năm 2001, trong khi Trung Quốc lại không thuộc diện các nước phải cắt giảm khí thải do là nước... đang phát triển.

Hiện quan điểm giữa các nước liên quan đến chủ đề cắt giảm khí thải CO2, giải quyết hậu quả thay đổi khí hậu hay thanh tra chỉ tiêu cắt giảm vẫn còn cách xa nhau và người ta chưa rõ làm sao các đại biểu giải quyết được các khác biệt này khi thời gian còn lại của hội nghị không nhiều. Song, hy vọng rằng từ hành động "chìa cành ôliu" của Ấn Độ, sẽ có thêm nhiều nước nữa, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, thể hiện trách nhiệm hơn nữa của mình đối với sự an nguy của ngôi nhà chung Trái Đất.

Đỗ Sinh