04:22 25/04/2012

Họa vô đơn chí

Bất chấp hàng loạt nỗ lực nhằm phục hồi kinh tế, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vẫn phải tiếp tục gồng mình trước những sức ép mới và gần đây nhất là sự sụp đổ của chính phủ Hà Lan sau thất bại trong việc thương lượng với các chính đảng về gói ngân sách thắt lưng buộc bụng mới.

Bất chấp hàng loạt nỗ lực nhằm phục hồi kinh tế, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vẫn phải tiếp tục gồng mình trước những sức ép mới và gần đây nhất là sự sụp đổ của chính phủ Hà Lan sau thất bại trong việc thương lượng với các chính đảng về gói ngân sách thắt lưng buộc bụng mới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn châu lục diễn biến ảm đạm, Hà Lan cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi tăng trưởng suy giảm, bội chi ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Trước tình thế này, để đảm bảo tuân thủ quy định của Liên minh châu Âu (EU) về bội chi ngân sách, chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte đã đề xuất gói ngân sách mới, trong đó cắt giảm chi tiêu khoảng 16 tỷ euro. Tuy nhiên, gói ngân sách này đã bị thủ lĩnh đảng Tự do Geert Wilders chỉ trích là đánh vào cuộc sống của tầng lớp hưu trí và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.

Như vậy, Hà Lan trở thành nạn nhân mới nhất trước các yêu cầu kinh tế khắc nghiệt của EU. Trước đó, chính phủ Tây Ban Nha cũng đau đầu khi đối mặt với bài toán hóc búa hoặc tiến hành các chính sách kham khổ để đáp ứng yêu cầu của EU, song đổi lại là sẽ là diễn biến kinh tế ảm đạm. Để giảm gánh nặng nợ, hơn một năm qua, Mađrít phải tiến hành các biện pháp tiết kiệm và hậu quả là khu vực sản xuất hoạt động cầm chừng, hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, đẩy tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức cao nhất châu Âu, 23%. Tình cảnh Hy Lạp cũng tương tự khi sau một thời gian thực thi các biện pháp khắc khổ, kinh tế nước này vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Trong hơn hai năm qua, Brúcxen đã tìm mọi cách để củng cố vị thế cho đồng euro bằng việc yêu cầu các nước thành viên thực hiện giảm bội chi ngân sách thông qua các biện pháp kham khổ. Tuy nhiên, các biện pháp này trên thực tế đang đẩy nhiều quốc gia vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chính sách tài chính khắc khổ có thể là đũa thần khi các khoản nợ lên đến đỉnh điểm song về lâu dài, nó có thể bóp chết sự phục hồi kinh tế khi vừa mới manh nha. Đặc biệt tại các nền kinh tế tiêu dùng, hạn chế chi tiêu cũng đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất.

Hà Lan là một trong bốn quốc gia thành viên Eurozone cho đến nay vẫn duy trì được mức đánh giá tín dụng hạng AAA. Tuy nhiên, với sự ra đi của chính phủ đương nhiệm, nguy cơ quốc gia này bị tụt hạng đã hiện rõ và điều này được giới phân tích đánh giá là dấu hiệu về sự leo thang mới của cơn bão nợ công.

Họa vô đơn chí. Tình thế trên chính trường Hà Lan hiện nay có thể trở thành một thời khắc bi kịch mới của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Cẩm Tuyến