05:22 24/05/2016

Hoa quả nhập khẩu lấn át hoa quả nội

Không chỉ chiếm ưu thế trong các siêu thị lớn như: Big C, Metro, Fivimart... hoa quả nhập khẩu đang len lỏi vào các chợ truyền thống và cạnh tranh mạnh với hoa quả nội.

Dần chiếm ưu thế

Những ngày cuối tháng 5, các tỉnh khu vực Nam Bộ bắt đầu bước vào cao điểm thu hoạch trái cây nhưng tiêu thụ khá khó khăn. Các nhà vườn cho biết, khác với những năm trước, năm nay thương lái hỏi nhiều nhưng vẫn chần chừ chưa chịu chốt giá, đặt cọc... do lo ngại tiêu thụ khó khăn vì hoa quả nhập khẩu ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Người tiêu dùng chọn mua hoa quả nhập khẩu ở Big C Thăng Long (Hà Nội).

Lý giải điều này, anh Nguyễn Hữu Dũng, chủ một cửa hàng bán trái cây ở chợ Tân Định, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trái cây ngoại đang tràn ngập thị trường, người tiêu dùng trong nước cũng có tâm lý sính ngoại, lo lắng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của trái cây nội... nên đang có xu hướng nghiêng về lựa chọn trái cây ngoại. Bên cạnh đó, trái cây ngoại lại có nhiều ưu điểm như: lạ, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp... nên một số khách hàng đã chuyển sang ăn trái cây nhập khẩu, phổ biến ở những mặt hàng: táo, lê, sầu riêng, cam...",
Ghi nhận tại các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền... lượng trái cây ngoại nhập đang tăng đột biến. Một nhân viên trong ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, lượng trái cây về chợ khoảng 1.300 tấn/ngày, trong đó trái cây ngoại nhập chiếm tỷ lệ khoảng 30 - 35%, chủ yếu có nguồn gốc từ: Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ... Tại chợ đầu mối Bình Điền nhập từ 250 - 300 tấn trái cây các loại, lượng trái cây ngoại nhập cũng chiếm tỷ lệ gần 20%.

Tại các sạp bán trái cây ở các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... cũng dễ dàng nhận thấy trái cây ngoại được trưng bày ở các vị trí bắt mắt nhất, "chen vai" với những loại trái cây trong nước. Đặc biệt, trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan có mặt hầu hết các phân khúc, từ cao cấp như: táo xanh, sầu riêng, măng cụt... cho đến bình dân như: me, mít, quýt, bòn bon... giá cả không cao hơn nhiều so với hàng Việt.

Còn tại Hà Nội, trong các siêu thị lớn như: Big C, Metro, Fivimart.. hoa quả nhập cũng đang chiếm ưu thế với nhiều chủng loại, giá cả đa dạng: táo Mỹ, táo New Zealand giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, nho Úc 120.000 đồng/kg, cam Mỹ 120.000 đồng/kg, ngoài ra còn táo Pháp, lê Hàn Quốc, kiwi New Zealand... Còn hoa quả nội khá lép vế vì chỉ có một số loại truyền thống như: chuối, bưởi, hồng xiêm... được bày bán. Bên cạnh đó, chợ cóc, quầy hoa quả đường phố ở Hà Nội cũng không còn là “sân chơi” riêng của các loại hoa quả nội.
Chị Nguyễn Thanh Lan, chủ một cửa hàng hoa quả trên phố Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, mặc dù giá hoa quả ngoại cao hơn hoa quả nội nhưng không còn quá đắt so với thu nhập của một bộ phận người mua.

Xây dựng thương hiệu cho hoa quả nội

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 4 đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu các loại rau củ quả trị giá 204 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, nhập khẩu trái cây từ Thái Lan dẫn đầu với trị giá hơn 59 triệu USD, chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây cả nước. Thái Lan cũng vượt qua Trung Quốc, trở thành nơi xuất khẩu trái cây lớn nhất vào Việt Nam.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối thừa nhận: “Không thể phủ nhận trái cây ngoại đang được nhập ngày càng nhiều hơn, nhưng đó là xu thế tất yếu. Đặc biệt vào năm 2017 - 2018, khi các hiệp định tự do thương mại trong khu vực ASEAN và các nước có hiệu lực thì trái cây ngoại còn có thể được nhập về nhiều hơn nhờ thuế suất về 0%.”.

Hiện nay, so với các nước trong khu vực, trái cây Việt Nam được đánh giá ngon và phong phú nhưng lại không đồng nhất về chất lượng. Bên cạnh đó, trồng trọt theo kiểu nông hộ nhỏ nên chất lượng chưa đồng đều, chi phí cao.

Do vậy, ông Bảnh cho rằng: “Để cạnh tranh được thì Việt Nam cần thực hiện tốt 4 khâu. Đầu tiên là chọn giống tốt, phù hợp. Thứ hai là kỹ thuật trồng phải đảm bảo an toàn như VietGAP, GlobalGAP... Thứ ba là số lượng và chất lượng phải đồng đều. Từ đó mới thực hiện bước cuối cùng là xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta làm được điều này thì không những trái cây Việt sẽ giữ vững thị trường mà còn cạnh tranh xuất khẩu đi nhiều nước. Ví dụ, thực tế ở Việt Nam chuối chỉ 20.000 đồng/nải nhưng có nhãn mác xuất sang châu Âu có giá tới 1 euro (25.000 đồng) một quả chuối”.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập - Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, phải cải thiện chuỗi cung ứng trái cây. Trong đó, doanh nghiệp cần liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác trái cây để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh nâng cao chất lượng trái cây thông qua việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP; sản xuất rải vụ trái cây để tăng khả năng cạnh tranh với các nước có sản xuất cùng ngành hàng như: Thái Lan, Úc, New Zealand... trên thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu một số trái cây để xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.
Lê Nghĩa - Hữu Vinh