02:23 04/02/2012

Hoa đào ngày Tết ở Béclin

Đối với người Việt Nam, hoa đào, hoa mai có một giá trị biểu tượng rất lớn, đó là sự báo hiệu Tết đến, Xuân về. Một cây đào thế, một cành đào phai đã đủ mang không khí Tết đến với mỗi gia đình.

Đối với người Việt Nam, hoa đào, hoa mai có một giá trị biểu tượng rất lớn, đó là sự báo hiệu Tết đến, Xuân về. Một cây đào thế, một cành đào phai đã đủ mang không khí Tết đến với mỗi gia đình. Khách nước ngoài đến Việt Nam vào dịp Tết thường có ấn tượng rất mạnh với chợ hoa ngày Tết, vì có lẽ không nơi nào có cảnh người bán chở cành hoa đào ra chợ, người mua đi xem, đi xét, cho vài câu bình phẩm cho tới khi tìm được một cây thế, một cành đào theo ý muốn, hoặc theo khả năng của mình.

Nụ hoa đào Đức nở trong dịp Tết Nguyên đán Việt Nam.


Đối với người Việt Nam ở Đức, họ dường như có khá nhiều ngày lễ: Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, rồi Tết Nguyên đán. Nhưng thực ra, họ hầu như không được thưởng thức một ngày lễ nào cho đúng nghĩa.

Lễ Giáng sinh là một ngày lễ quan trọng của người Đức, quan trọng hơn cả Tết Dương lịch. Nhưng đây là ngày lễ gia đình. Các đại gia đình thường tụ họp bên cây thông Noel, tặng quà cho nhau, nghe các bài hát Giáng sinh, ăn uống, chúc tụng nhau. Món ăn đặc trưng của nhiều gia đình Đức trong ngày này là món ngỗng quay. Trong ngày này, các quán ăn thường vắng khách, vì mọi người tập trung ăn uống ở nhà.

Ngược lại, vào dịp Tết Dương lịch. Người Đức thường tập trung ở những quảng trường rộng, cùng nhau đốt pháo, uống rượu đón mừng năm mới vào thời khắc giao thừa. Trong đêm giao thừa, hàng quán nào cũng đông khách.

Trong khi đó, người Việt Nam ở Đức cảm thấy xa lạ, hầu như không cảm thấy một sự thiêng liêng của ngày lễ, vì lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch không phải là ngày lễ truyền thống của Việt Nam. Cùng lắm họ có thể tụ tập cùng nhau, ăn uống, nói chuyện phiếm, ôn lại những kỷ niệm xưa cho đỡ buồn.

Khi Tết Nguyên đán tới gần, ai cũng bất chợt nhớ lại một chút gì đó của quê cha, đất tổ. Có người nhớ tới chợ hoa ngày tết. Có người nhớ tới nồi bánh chưng làm cả nhà tất bật, từ rửa lá dong, đãi gạo, thổi đỗ, gói bánh và luộc bánh chưng tới 9-10 tiếng đồng hồ trước đây.

Cành đào của Phân xã TTXVN ở Béclin dịp Tết Nguyên đán


Đúng 18 giờ ngày 30 Tết ở Đức, tức là đúng lúc giao thừa ở Việt Nam, phần lớn người Việt đều chuẩn bị sẵn một mâm cỗ đơn sơ để cúng gia tiên và cúng thổ công, tuy nhiên cũng đủ thịt gà, bánh chưng... Năm nay, 30 Tết rơi đúng vào chủ nhật nên phần lớn mọi người được nghỉ để chuẩn bị cho mâm cỗ lúc giao thừa được thư thả, cẩn thận hơn.

Sang ngày mùng 1 Tết, vì là thứ hai, nên nhiều người đã phải đi làm như thường lệ. Vả lại, không khí xung quanh cũng chẳng có gì gợi nhớ tới một không khí Tết ở Việt Nam.

Nhằm tìm lại một chút không khí Tết, một số người đã nảy ra sáng kiến ép cây đào của Đức ra hoa trước vụ. Vì thông thường, phải tới tháng tư dương lịch, cây đào Đức mới nở hoa. Muốn cây đào ra hoa vào cuối tháng một năm nay, người ta đã cắt trước một cành đào trước Tết vài tuần, đưa vào nhà, sử dụng hơi ấm trong căn nhà để buộc những nụ hoa đào phải nở sớm. Thế là trong nhà đã có một cành đào, cho dù dáng cành và nụ hoa không thể đẹp như đào bích, đào phai Nhật Tân, nhưng dù sao cũng có một cành đào mang lại một chút không khí Tết. Thế mới hiểu giá trị lớn lao của những nụ hoa đào ngày Tết trên nước Đức.

Văn Long (P/v TTXVN tại Đức)