11:08 04/11/2010

Hòa Bình:Không có chuyện “mạch nước bản Vắt gây bệnh”?

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin mó nước (mạch nước) bản Vắt, xã đồng Bảng, huyện Mai Châu (Hòa Bình) là tác nhân gây những căn bệnh như câm điếc, thần kinh, dị tật và đần độn…

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin mó nước (mạch nước) bản Vắt, xã đồng Bảng, huyện Mai Châu (Hòa Bình) là tác nhân gây những căn bệnh như câm điếc, thần kinh, dị tật và đần độn… khiến người dân địa phương hoang mang, lo lắng.


Trước sự việc trên, Sở Y tế Hòa Bình đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tiến hành khảo sát và làm rõ các thông tin mà báo chí đã đưa.

Hiện nay, bản Vắt có 58 hộ dân với 239 nhân khẩu, nghề nghiệp chính là làm nương, trồng rừng và chăn nuôi. Nguồn nước được sử dụng chính là nước giếng khoan và 30% số hộ gia đình của bản hiện đang sử dụng nguồn nước tại mó Vắt. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm nước tại mó Vắt. Kết quả cho thấy, 17 chỉ số hóa lý và vi sinh hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép. Khi được hỏi, những người dân nơi đây đều rất tự hào về mó nước của bản mình. Ông Lò Văn Xuân, Trưởng xóm Vắt, xã Đồng Bảng cho biết: Chính ông và gia đình cũng đang sử dụng nguồn nước tại mó Vắt và người dân tại bản hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nước tại đây.


Ảnh minh họa



Về tình hình bệnh mãn tính và dị tật bẩm sinh, theo kết quả điều tra đánh giá của đoàn công tác, bản Vắt có 16 người mắc bệnh, tỷ lệ chiếm 6,69%, trong đó 7/16 trường hợp có yếu tố gia đình, đó là câm điếc bẩm sinh, dị tật bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Có 10 trường hợp phát bệnh trước khi đến sống tại xóm, ngoài ra có thêm 2 trường hợp mù lòa do tuổi già, nâng trường hợp có bệnh không liên quan đến môi trường sống tại bản lên 75%. Chỉ có 2 trường hợp mắc bệnh có sử dụng nước tại mó Vắt. Như vậy, không có cơ sở cho rằng việc mắc bệnh là do ảnh hưởng của môi trường hay nguồn nước tại xóm.

Cơ cấu bệnh mãn tính và dị tật bệnh tại xóm Vắt không có sự khác biệt so với các địa phương khác trong toàn quốc. Tỷ lệ tâm thần là 0,84%, thấp hơn so với tỷ lệ tâm thần theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Trung ương năm 2007 là 1%. Tỷ lệ động kinh 0,84% tương đương với tỷ lệ được công bố năm 2007 của Sanofi Aventis nghiên cứu tại 108 quốc gia là 0,89%. Tỷ lệ thiểu năng trí tuệ tại xóm là 1,7%, tỷ lệ dị tật bẩm sinh và câm điếc bẩm sinh là 2,51% cũng tương đương với các chỉ số đã được các nhà khoa học nghiên cứu và công bố. Như vậy, tại xóm không có tình trạng các bệnh gia tăng đột biến về số lượng so với các địa phương khác.

Bà Trần Thị Ái Nương, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình khẳng định: Nguồn nước mó bản Vắt không có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh tật trên địa bàn. Thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Y tế huyện Mai Châu sẽ tiến hành phối hợp với xã tổ chức họp dân và phổ biến kết quả điều tra tình hình bệnh tật tới nhân dân xóm Vắt để người dân yên tâm sinh sống trên địa bàn.

Nhan Sinh