08:14 21/08/2014

Hòa bình thế giới mong manh

Nền hòa bình thế giới đang rất mong manh, dễ vỡ, thậm chí có ý kiến cho rằng nó đang phải đối mặt với một “vực thẳm” khi cộng đồng quốc tế loay hoay tìm cách ngăn chặn các cuộc xung đột và chiến tranh

Nền hòa bình thế giới đang rất mong manh, dễ vỡ, thậm chí có ý kiến cho rằng nó đang phải đối mặt với một “vực thẳm” khi cộng đồng quốc tế loay hoay tìm cách ngăn chặn các cuộc xung đột và chiến tranh.


Trong vòng 100 năm trở lại đây, nhân loại đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới. Và giờ đây, một câu hỏi khá phổ biến được giới truyền thông nhắc đến nhiều, đó là làm thế nào để ngăn chặn Chiến tranh Thế giới lần thứ ba?

 

Xe tăng quân đội Ukraine tiến vào thành phố miền đông Kramatorsk ngày 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhà bác học Albert Einstein từng có danh ngôn nổi tiếng: "Tôi không biết Chiến tranh Thế giới lần thứ ba sẽ sử dụng vũ khí gì? Nhưng tôi biết rằng Chiến tranh Thế giới lần thứ tư sẽ sử dụng gậy gộc và đá". Như câu danh ngôn này của Einstein, thì nó có thể đẩy cả thế giới quay lại thời kỳ đồ đá.


Tình trạng bạo lực với các cuộc xung đột đẫm máu diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Cỗ máy chiến tranh dường như đang được khởi động để sẵn sàng vận hành. "Bóng ma" cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ ba không còn là điều viển vông và xa vời khi trật tự lỏng lẻo của các mối quan hệ quốc tế đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ. Chỉ cần nhẩm tính sơ qua những phương tiện chiến tranh hiện nay thì có thể thấy loài người đang sở hữu một sức mạnh quân sự khủng khiếp, có thể hủy diệt toàn bộ thế giới.


Từ Trung Đông, Nam Á cho đến Ukraine, thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn định. Nga đứng trước bờ vực của cuộc xung đột ở Ukraine. Mỹ buộc phải tăng cường can dự quân sự vào Iraq để ngăn chặn phiến quân Hồi giáo. Chính quyền Afghanistan đối mặt với nguy cơ sụp đổ khi NATO rút quân. Bạo lực leo thang ở Dải Gaza. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Kashmir. Trong khi đó, tình trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào.


Trong 100 năm qua, thế giới đã đạt được thỏa thuận rất quan trọng để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn xung đột. Cộng đồng quốc tế đã quyết định thành lập Liên hợp quốc với mục tiêu cơ bản nhất là cứu những thế hệ tiếp theo thoát khỏi nguy cơ xung đột và chiến tranh. EU từng nhận giải Nobel Hòa bình vì đã nỗ lực biến châu Âu từ lục địa của chiến tranh thành lục địa của hòa bình. NATO cũng đã giúp thiết lập mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương, thu hút nhiều nước châu Âu tham gia. Vào thời điểm hiện nay, chiến tranh là điều không tưởng trong quan hệ giữa Đức và Pháp.


Nhiều tổ chức khu vực khác đã ra đời ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Nhiều thể chế quốc tế đã được hình thành nhằm thực thi các hiệp định, hiệp ước về an ninh và giải trừ quân bị. Tuy nhiên, theo thống kê của Chương trình Dữ liệu Xung đột Uppsala, từ năm 1946 đến nay, đã xảy ra 254 cuộc xung đột vũ trang, trong đó có 114 cuộc biến thành chiến tranh quy mô lớn. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số vụ xung đột vũ trang giảm đáng kể. Trong năm 2013, chỉ xảy ra 33 cuộc xung đột, giảm 50% so với thời điểm năm 1989.


Mặc dù vậy, diễn biến tình hình tại một số điểm nóng trên thế giới đang đe dọa nghiêm trọng đến trạng thái cân bằng tương đối của trật tự thế giới. Giới quan sát dự báo rằng thế giới vào thời điểm năm 2030 rất dễ đổ vỡ. Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế sẽ phải chật vật đối phó với xu hướng độc lập, ly khai. Nguy cơ chiến tranh giữa các nước sẽ gia tăng đáng kể, bắt nguồn từ những mâu thuẫn và cạnh tranh về ảnh hưởng và lợi ích.

 

Lê Phương