11:16 18/11/2010

Hòa Bình: Phát huy nội lực giảm nghèo bền vững

Là tỉnh miền núi phía tây bắc Tổ quốc, Hòa Bình có dân số gần 80 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 71,31%. Toàn tỉnh có 210 xã, phường, thị trấn thì có tới 73 xã và 94 xóm đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Chương trình 135 (giai đoạn 2) của Chính phủ.

Là tỉnh miền núi phía tây bắc Tổ quốc, Hòa Bình có dân số gần 80 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 71,31%. Toàn tỉnh có 210 xã, phường, thị trấn thì có tới 73 xã và 94 xóm đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Chương trình 135 (giai đoạn 2) của Chính phủ.

Để công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) bền vững, Hòa Bình đã có nhiều bước đột phá, coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục để khơi dậy tinh thần của người dân; khắc phục tính trông chờ ỷ lại, vươn lên thoát nghèo. Tỉnh đã thực hiện nguyên tắc phát huy nội lực tại chỗ, thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình dự án để cùng thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân, góp phần tích cực đẩy mạnh công tác XĐGN, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Ban Quản lý dự án 135 chuyển giao bò giống cho các hộ gia đình dân tộc thuộc các xã Noong Luông, Pù Bin, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Bà Hoàng Thị Chiển, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giành được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 ước đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,3 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư, toàn tỉnh đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số xã có điện lưới quốc gia với 92% số hộ được sử dụng điện, 69% số hộ đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc không ngừng được kiện toàn, củng cố, trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng cao; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng được đẩy mạnh; an ninh chính trị vùng đồng bào các dân tộc được ổn định, đời sống tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc, niềm tin gắn bó giữa nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố.

Để làm tốt công tác XĐGN, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc và miền núi, giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng giai đoạn 2011-2015, Hòa Bình đã đề ra những giải pháp cụ thể phấn đấu đưa đời sống người dân ngày một nâng lên. Bà Hoàng Thị Chiển khẳng định: Trước tiên phải củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương.

Rà soát và bổ sung quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, quy hoạch phát triển nông thôn, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai; bổ sung quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến; quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, thương mại - dịch vụ - du lịch phù hợp với quy hoạch chung và vùng nguyên liệu, tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng khó khăn, nâng suất đầu tư phù hợp với sự khó khăn của từng địa phương...

Nguyễn Viết Tôn