08:23 17/08/2016

Hòa Bình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đạt nhiều kết quả khả quan.

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình đã triển khai các giải pháp đồng bộ như: Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục vùng khó khăn, giáo dục dân tộc... Đặc biệt, các cấp học đã áp dụng thực hiện mô hình trường học mới nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập, giao tiếp xã hội.    

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Đặng Quang Ngàn cho biết: Những năm qua, Hòa Bình tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động ”Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, và phong trào thi đua ”xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó tập trung vào nội dung đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, đổi mới phương pháp dạy học tích cực và công tác thi đua khen thưởng trong các đơn vị, trường học...    

Trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT đã phân cấp cho các đơn vị, trường học chủ động xây dựng và thực hiện phân phối chương trình chi tiết theo khung thời gian. Tùy vào khả năng học tập của học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường có thể thay đổi linh hoạt số tiết trong từng chương, từng bài nhưng phải đảm bảo tổng số tiết quy định cho mỗi môn học. Ngoài ra, các nhà trường tạo điều kiện cho các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn. Trong đó, chú trọng đến giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật. Vì vậy, đã có 5 phòng giáo dục và đào tạo, 10 trường THPT thực hiện có hiệu quả việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 

Hiện nay, mô hình trường học mới VNEN đã triển khai có hiệu quả ở 34 trường THCS và 147 trường Tiểu học tại 11 huyện, thành phố. Theo đánh giá của học sinh, giáo viên và phụ huynh, mô hình trường học mới đã tạo được dấu ấn mới mẻ trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ mô hình học tập này, học sinh được phát huy khả năng tự học, mạnh dạn trong giao tiếp cũng như tự tin trong tiếp cận kiến thức. 
Vũ Hà