07:22 06/07/2016

Hòa bình Colombia: Tương lai nào cho FARC?

Mới đây tại Cuba, đại diện Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã chính thức ký kết Thỏa thuận ngừng bắn song phương và vĩnh viễn, chấm dứt hơn nửa thế kỷ đối đầu vũ trang và là tiền đề cho thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa hai bên.

Văn bản này bao gồm cam kết ngừng bắn vĩnh viễn và giải giáp vũ khí; bảo đảm an toàn và đấu tranh chống các tổ chức tội phạm và cơ chế hợp hiến hóa các thỏa thuận giữa hai bên. Hai bên cũng cam kết chuyển từ sử dụng vũ khí sang theo đuổi các biện pháp chính trị theo nguyên tắc dân chủ, tự do tư tưởng và thảo luận văn minh, đồng thời ấn định thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận cuối cùng để hoàn thành việc giải giáp vũ khí. Hai bên thỏa thuận cơ chế giám sát ba bên, với bên thứ ba là phái đoàn quan sát viên quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ), gồm chủ yếu các thành viên từ khu vực Mỹ Latinh, thành lập 8 khu lán trại và 23 khu vực vành đai chuyển tiếp nhằm thúc đẩy quá trình tái hội nhập xã hội từng bước của các tay súng.    

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) và Thủ lĩnh FARC Timoleon Jimenez (phải) trao nhau bản thỏa thuận ngừng bắn song phương đã ký kết trước sự chứng kiến của Chủ tịch Cuba Raul Castro trong buổi lễ tại La Habana hôm 23/6.

Về tương lai chính trị của FARC, theo tờ "El Tiempo" của Colombia, nhóm này sẽ không liên kết với bất kỳ chính đảng nào để thành lập một đảng hợp hiến. Tổ chức này từng khẳng định sẽ trở thành một phong trào chính trị rộng mở, dân chủ và mang tính chất phe đối lập. Tổng thống Juan Manuel Santos đã từng tuyên bố sẽ cho phép FARC có đại diện ở Quốc hội nhưng con số này chỉ được “đếm trên đầu ngón tay”. Ông Santos cho rằng có khả năng số nghị sĩ của FARC ở Hạ viện sẽ từ 8 - 10 ghế trong vòng một năm tới. Tuy nhiên, để làm được điều này, sẽ cần sửa đổi Hiến pháp và việc này nằm trong tầm tay của ông Santos.    

Một vấn đề hiện các bên tham gia đàm phán ở La Habana vẫn đang xem xét đó là chính đảng của FARC sau khi giải giáp vũ khí có nhận được kinh phí hoạt động từ nhà nước hay không. Một câu hỏi cũng được đặt ra đó là việc liệu FARC có đề cử người tham gia tranh cử tổng thống ngay trong năm 2018 và liệu người của tổ chức này có ra tranh cử ở địa phương vào năm 2019 hay không. Số phận của những người phạm tội ác chiến tranh trong FARC sẽ ra sao? Mọi câu hỏi này cần được giải đáp rõ ràng trước khi thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn được ký kết. Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle cho biết liên quan tới chính sách khoan hồng cho các thành viên của tổ chức này cũng cần phải sửa đổi Hiến pháp.   
  
Về phần mình, một trong những lo ngại của FARC đó là việc các tay súng của tổ chức này bị trả thù sau khi giải giáp vũ khí như từng diễn ra với Liên minh Yêu nước trước đây. Nhóm vũ trang Liên minh Yêu nước từ bỏ vũ khí vào giữa những năm 1980 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhóm này vẫn tiếp tục bị truy sát và trả thù tới những năm 1990. Do đó, FARC yêu cầu chính phủ cần đảm bảo các biện pháp an toàn cho các thành viên của mình trong tương lai, đặc biệt trước sự đe dọa của các nhóm bán vũ trang và tội phạm có tổ chức.    

Nhiều vấn đề vẫn cần được làm sáng tỏ để có thể đi tới ký kết thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn giữa chính phủ và FARC nhưng có thể khẳng định rằng thỏa thuận ngừng bắn song phương là bước quan trọng cuối cùng để người dân Colombia có hòa bình, kết thúc thành công quá trình hòa đàm kéo dài gần 4 năm qua tại La Habana. Từ năm 1964, các cuộc xung đột vũ trang tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích, và khoảng 6,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. 
Diệu Hương