02:18 11/02/2020

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cần nhất quán từ doanh nghiệp tới địa phương

Trong bối cảnh xuất khẩu một số mặt hàng gặp khó khăn do dịch bệnh, chiều 11/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc họp kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Khổ vì virus Corona

Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp (Virus Corona) , để hạn chế lây lan dịch bệnh, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan khiến một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long và tới đây là vải, xoài… đang và sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Xe chở hàng nông sản của doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành (Lào Cai). Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 10/2 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị còn tồn hơn 100 xe hàng trái cây. Tại cửa khẩu Kim Thành II, hiện còn tồn 120 xe trái cây gồm 100 xe thanh long, 2 xe chuối, còn lại là mít và dưa hấu…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, do phần lớn sản phẩm nông sản của tỉnh đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc nên hiện nay các sản phẩm nông sản của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do bị tồn đọng khá nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Dũng đưa ra ví dụ cụ thể như xoài là mặt hàng chủ lực khoảng 30 ngày nữa sẽ thu hoạch, trong khi tỉnh hiện có gần 11.000 ha xoài Cát Chu và cát Hòa Lộc với  sản lương khoảng 90.000 tấn.

Cũng chính vì giao thương giữa Việt Nam-Trung Quốc tạm ngưng trệ nên hiện nay, tồn đọng lớn nhất là mặt hàng khoai lang với khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn 1.200 tấn…

Riêng thanh long sản lượng không lớn lắm, ngành công thương đã liên hệ một số đơn vị nhà phân phối tiêu thụ tương đối tốt nên không cần "giải cứu".

Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Dũng khuyến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã và người sản xuất về chi phí vận chuyển tiêu thụ hàng hóa, vay vốn ngân hàng, chi phí lưu kho, logistics…

Tương tự, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cũng cho hay, mặt hàng nông sản của tỉnh Bắc Giang đang bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Mọi năm, quả vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm chủ yếu. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch do virus Corona đang diễn biến phức tạp nên Sở Công Thương Bắc Giang đang trong quá trình tìm hướng đi cho quả vải thiều và mong muốn Bộ Công Thương có giải pháp hỗ trợ tìm đầu ra cho quả vải.

Còn theo ông Hà Lê Thanh Trung- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, nông sản tại địa phương này cũng trong tình trạng điêu đứng do ảnh hưởng từ dịch bệnh; trong đó, quả thanh long là sản phẩm đang gặp khó nhiều nhất bởi đang thời điểm thu hoạch và đang lưu trữ trong kho lạnh 7.685 tấn.

Cũng theo ông Hà Lê Thanh Trung, trước tình hình này Sở đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiến hành thu mua cho bà con, đưa vào kho lạnh.

Mặt khác, Sở Công Thương đã làm việc và thống nhất với những doanh nghiệp đưa thanh long vào hệ thống phân phối như BigC, Lotte…. Tuy vậy, để có giải pháp dài hơi, Sở Công Thương Bình Thuận kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối trái cây.

Hơn nữa, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề xuất với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có biện pháp hỗ trợ chi phí điện cho doanh nghiệp để bảo quản nông sản ở các kho lạnh. Đồng thời kiến nghị Tổng cục Thuế giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cùng chung nỗi khó khăn từ việc Trung Quốc đóng cửa biên giới do dịch virus Corona, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La cũng gặp ách tắc.

Theo thông tin từ bà Phạm Thị Doan – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, nhiều mặt hàng như xoài, nhãn, mận, chuối, thanh long, chanh leo…, đang vào mùa thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng nặng. Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ để tỉnh có thể giới thiệu sản phẩm nông sản ra nhiều quốc gia khác, không chỉ thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, hiện trái cây của Tiền Giang xuất khẩu vừa qua khoảng 23.000 tấn, đạt 41 triệu USD chủ yếu vào thị trường Trung Quốc với các mặt hàng chính là sầu riêng, thanh long, xoài, mít…

Do vậy, trước khó khăn từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp hiện nay, bên cạnh việc hỗ trợ từ các ngành liên quan nhằm tăng cường kết nối với các hệ thống phân phối, Sở đề xuất tiếp tục thực hiện chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, kết nối với Big C đưa thanh long vào tiêu thụ.

Bên cạnh đó, kết nối với các khu công nghiệp bán trái cây và đề nghị các hệ thống phân phối cùng Sở Công Thương sản xuất theo vùng nguyên liệu, ổn định nguồn cung cho các siêu thị, ổn định giá cả lâu dài chứ không nên phụ thuộc vào các cuộc "giải cứu", không mang tính chất căn cơ.

Ngoài ra, ông Đặng Văn Tuấn cũng đề xuất hỗ trợ chính sách như chi phí lưu kho, tiền điện, thuế thu nhập, chi phí logistics đang khá cao làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản xuất khẩu từ Việt Nam so với các nước xuất khẩu nông sản.

Cần thông tin chính xác

Tại cuộc họp, bà Đinh Hải Vân- Giám đốc thu mua miền Bắc của Tập đoàn Central Retail đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Mỗi ngày hệ thống BigC tiêu thụ 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần so với ngày thường và 70 tấn thanh long/ngày.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ có lượng tiêu thụ nhiều hơn so với dự báo, song khi liên hệ với các đơn vị cung cấp ở Tiền Giang lại được thông báo là không có đủ hàng để giao và "không cần giải cứu".

Vì thế, tại cuộc họp, bà Đinh Hải Vân đã yêu cầu đại diện Sở Công Thương các tỉnh cung cấp số liệu rõ ràng để doanh nghiệp có thể chủ động.

Cũng tình trạng trên, theo bà Nguyễn Thanh Thuỷ- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi VinMart), sản lượng tiêu thụ dưa hấu rất lớn, lên tới hàng trăm tấn nhưng khi liên lạc với nông dân thì kêu không có.

"Đơn cử như dưa hấu Gia Lai, VinMart có nhu cầu cần 60 tấn/tuần, nhưng giao rất nhỏ giọt. Do đó, tháng nào có trái gì, sản lượng bao nhiêu, giá thế nào thì cần cung cấp rõ, vì khi đi kết nối thì thông tin cung cấp một giá, nhưng sau đó người dân lại đưa ra giá khác" - bà Thuỷ cho hay.

Tương tự, bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua miền Bắc của Công ty Aeon Việt Nam cho biết, hiện tại có thông tin là dưa hấu và thanh long không cần "giải cứu" nữa.

Vì vậy, bà Trần Thu Quỳnh khẳng định cần phải có thông tin chính xác và chiến lược dài hạn hơn, bởi nếu người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm này cần "giải cứu" thì giá trị sẽ không cao và không ưu tiên sử dụng; đồng thời cần nâng cao tiêu chuẩn về đóng gói, bao bì và chất lượng sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Việc tiêu thụ sản phẩm phải trên cơ sở đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm. Hiện nay việc chung tay tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng bởi mùa vải và nhiều sản phẩm khác chuẩn bị vào vụ.

Chính vì vậy, cần có phương án để thúc đẩy tiêu thụ, chủ động tiêu thụ hàng hoá, tránh trường hợp "giải cứu" gắn với tăng năng lực cho khâu chế biến, bảo quản đông lạnh.

Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương phải cung cấp thông tin cụ thể về sản lượng, chất lượng và thời điểm để có kết nối cung cầu cho phù hợp, tập hợp đầu mối thông tin tại Vụ Thị trường trong nước, liên hệ qua các đầu mối để có kết nối nhanh nhất với từng sản phẩm, tránh thủ tục rườm rà.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mong muốn các hệ thống bán lẻ chung tay hỗ trợ nông dân trong bối cảnh dịch virus Corona khiến việc giao thương hạn chế. Về lâu dài, ông mong muốn các tỉnh nâng cao chất lượng nông sản, kết hợp chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường.

Hơn nữa, việc kết nối hỗ trợ cho việc thu mua, tiêu thụ nông sản không chỉ đối với các sản phẩm cần ngay lập tức, phải có kế hoạch dài hạn trong trường hợp tình hình bệnh dịch kéo dài.

“Ví dụ như đối với quả vải, chúng ta phải tính trước, vì không chỉ ở Bắc Giang, còn có thể các địa phương khác như Hải Dương, Hưng Yên... Nếu như đến thời điểm đó, dịch bệnh tại Trung Quốc đã được khống chế, thị trường được giải tỏa thì rất tốt. Nhưng với tình huống xấu, chúng ta vẫn phải chủ động, không thể lúc nào cũng hô khẩu hiệu “giải cứu”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Tại hội nghị, nhằm biến cam kết thành hành động tiêu thụ các mặt hàng nông sản thành hành động cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ ký kết giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với các hệ thống phân phối lớn như Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), MM Mega Market…nhằm thống nhất hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tại các tỉnh thành phố.

Uyên Hương (TTXVN)