06:12 24/06/2021

Hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; lãnh đạo các ban, bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo chương trình.

Khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Phát triển khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển được bố trí từ ngân sách Trung ương, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hỗ trợ sinh kế và bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn là vùng "lõi nghèo" của cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo phải đề cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.

Báo cáo với Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Ủy ban Dân tộc đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành liên quan chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Chương trình theo quy định.

Ủy ban Dân tộc ban hành tiêu chí xác định xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phân định xã, thôn theo trình độ phát triển; đồng thời chủ trì, hoàn  thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025.

Theo Ủy ban Dân tộc, nội dung chủ yếu của Chương trình gồm 10 dự án thành phần, như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời, phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư tạo sinh kế bền vững; truyền thông, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện.

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 147.052 tỷ đồng. Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 1, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.

Huy động thêm các nguồn lực để thực hiện Chương trình

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc cần rút kinh nghiệm và phải khẩn trương hoàn thành 2 nhiệm vụ đã quá hạn là: Xây dựng tiêu chí, định mức, nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện Chương trình trong trung hạn, hằng năm; kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh.

Cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương đã thực hiện tốt công tác điều phối hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức triển khai Kế hoạch đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc khẩn trương trình Trưởng ban Chỉ đạo ký ban hành Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương trên kết quả ý kiến của các bộ, ngành thành viên tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương ngày 22/3/2021. 

"Tiếp tục nâng cao tính tự lực, tự cường, tự vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi; đồng thời góp vốn đầu tư công để kêu gọi đầu tư toàn xã hội, có cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, đào tạo nghề cho phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Các ban, ngành vào cuộc quyết liệt để chương trình này thực sự hiệu quả, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng cao", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 5 năm và năm 2021 theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp để khuyến khích, huy động thêm các nguồn lực từ quốc tế và xã hội để thực hiện Chương trình. 

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức tham gia thực hiện Chương trình; kịp thời tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, từng bước nhân rộng ra toàn vùng...

Về việc tăng cường công tác phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trong xây dựng và ban hành các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc khẩn trương tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Nội vụ, khẩn trương hướng dẫn để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn theo nguyên tắc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Cho rằng, việc thành lập Tổ công tác huy động nguồn vốn ODA là cần thiết, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định vấn đề này. Ủy ban Dân tộc, Bộ Giao thông Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để lập đề xuất chương trình, dự án về phát triển hạ tầng thiết yếu liên xã, phát triển nhân lực và xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc và miền núi sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài (khoảng 350 triệu USD ).

Ủy ban Dân tộc, Bộ Giao thông Vận tải chủ động phối hợp, nghiên cứu về việc bổ sung hạng mục xây dựng cầu dân sinh vào Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. 

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong bối cảnh dịch COVID- 19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi đóng một vai trò vô cùng lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa...

Đỗ Bình (TTXVN)