02:09 07/02/2021

Hỗ trợ nông dân kinh phí khôi phục diện tích quýt hồng Lai Vung

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai Đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020- 2024.

Chú thích ảnh
Quýt đường phục vụ thị trường Tết Nguyên đán ở Lai Vung. 

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là năm 2021 bước đầu khắc phục dịch bệnh 198,71 ha, hỗ trợ giống trồng lại cho 80 ha và đến năm 2024 diện tích bảo tồn đạt 546,63 ha; trong đó, khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92ha.
 
Những hộ tham gia đề án sẽ được hỗ trợ kinh phí khắc phục dịch bệnh được hỗ trợ 53.700.000 đồng/ha chi phí mua phân hữu cơ và nấm Trichoderma và hỗ trợ diện tích trồng lại 83.700.000 đồng/ha để mua giống quýt hồng, phân hữu cơ và nấm Trichoderma.

UBND huyện Lai Vung, mục tiêu chung của đề án là bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc Dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung” tại các xã: Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long.
 
Đồng thời, bảo tồn nguồn gen cây quýt hồng bản địa, phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững. Bên cạnh những giải pháp của ngành chức năng, lãnh đạo UBND huyện Lai Vung cũng đề nghị người dân khi tham gia thực hiện Đề án phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ của nhà khoa học đưa ra; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, tập huấn và hướng dẫn của ngành chức năng liên quan đến Đề án…
 
Anh Phạm Hồng Sê ở xã Tân Phước là một trong những người đạt giải nhất đầu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho trái quýt hồng ở huyện Lai Vung. Trước đây, anh có gần 5.000 mét vuông sản xuất quýt hồng, bình quân cho năng suất rất cao từ 5-10 tấn trái/1.000 mét vuông và giờ cây quýt hồng bị héo chết toàn bộ. Theo anh, để phục hồi cây quýt hồng, anh chuẩn bị ươm giống bằng hạt của những trái quýt hồng được chọn lựa và chuẩn bị làm đất kỹ để trồng lại mới hiệu quả.

Để bảo tồn tốt diện tích quýt hồng, đề án khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ là phân ủ từ rơm rạ với phân bò, có sử dụng nấm đối kháng Trichoderma sp được áp dụng thành công trong 5 mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh trên cây có múi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trường Đại học Cần Thơ. Hoặc có thể sử dụng một số phân hữu cơ khác có nguồn gốc tương tự được sản xuất từ xác động, thực vật, phân chuồng hoai mục phối trộn với Trichoderma chuyên dụng. 

Chú thích ảnh
Cây quýt hồng trồng trong chậu có giá từ 2-10 triệu đồng/chậu. 

Năm 2020 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thực hiện 5 mô hình trình diễn các biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ, và héo xanh trên cây có múi ở 5 hộ trồng quýt hồng ở xã Tân Phước, Long Hậu và Tân Thành.
 
Hiện nay cả 5 mô hình đều có biểu hiện phục hồi trở lại, các vườn đang giai đoạn xử lý ra hoa, cây phát triển tốt. Bên cạnh mô hình sử dụng các loại phân bón, bà con nông dân còn phối hợp với Công ty Phan Tấn đặt hàng máy xeo đất nhằm đưa cơ giới hóa vào phục xeo đất kết hợp rải tro trấu phá vỡ tầng nén dẻ đất vườn cây có múi; Tiến hành lấy 09 mẫu phân bón để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu chất lượng để đưa vào sử dụng.
 
Giải pháp thực hiện thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho tiếp tục duy thực hiện 5 Mô hình. Sau đó tiến hành tổng kết đánh giá, đưa ra quy trình quản lý chính thức hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi, đồng thời in tờ bướm quy trình quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi phát cho nhà vườn.
 
Đồng thời, hướng dẫn nông dân quy trình ủ phân hữu cơ truyền thống bằng nguồn nguyên liệu rơm mục tại địa phương để tự phục vụ cho mảnh vườn chính mình nhằm đảm bảo chất lượng phân hữu cơ, giảm giá thành sản xuất. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra đánh giá các loại phân bón hữu cơ đang lưu thông trên thị trường để khuyến cáo bà con nông dân sử dụng. Trung tâm ứng dụng công nghệ cao triển khai công tác nhân giống cây quýt hồng sạch bệnh.
 
Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 - 2024 được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt thực hiện bảo tồn cây quýt hồng với diện tích hơn 546 ha, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỷ đồng.
 
Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết, huyện đang triển khai bắt tay vào việc phục hồi diện tích quýt hồng đã bị chết.

Hiện, huyện có hơn 300 ha canh tác quýt hồng, giảm hơn 700 ha so với những năm trước đây, là do dịch bệnh vàng lá thối rễ làm quýt hồng chết hàng loạt. 

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)