07:19 18/07/2025

Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến cho hợp tác xã phát triển lúa chất lượng cao

Ngày 18/7, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long khảo sát mô hình điểm thuộc Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Châu Thành). Đây là hợp tác xã được tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ chế biến ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát mô hình điểm Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài. 

Ông Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực hiện Đề án trên, tỉnh không chỉ hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất theo quy trình canh tác bền vững mà còn tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để các hợp tác xã tiếp cận các chính sách đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chế biến sâu ngành hàng lúa gạo, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận cho thành viên.

Tỉnh Vĩnh Long đã bố trí 2,1 tỷ đồng để hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài đầu tư máy sấy lúa cùng nhiều thiết bị tiên tiến khác. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 3,9 tỷ đồng; trong đó hợp tác xã đối ứng 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đầu tư thiết bị, tỉnh còn hỗ trợ hợp tác xã xây dựng, phát triển thương hiệu lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững trong nước và quốc tế.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác tìm hiểu các loại vật tư đầu vào tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài.

Ông Trần Văn Chung - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài chia sẻ, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đặc biệt là máy sấy lúa đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hợp tác xã để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng hạt gạo và chủ động hơn trong khâu chế biến. Khi có máy sấy và các thiết bị đồng bộ, hợp tác xã có thể nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, từ đó tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho xã viên.

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài là 1 trong 7 hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long được Trung ương chọn làm mô hình điểm từ vụ Hè Thu 2024 để nhân rộng trong khu vực. Theo đó, Hợp tác xã triển khai mô hình trên diện tích 48,4 ha, với 50 hộ thành viên tham gia.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát nhà kho của Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài. 

Theo ông Trần Văn Chung, qua 3 vụ sản xuất theo đề án, mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giảm khoảng 60% lượng giống gieo sạ, tiết kiệm 20 - 30% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất cao hơn từ 0,7 - 1 tấn/ha so với canh tác truyền thống, nên nông dân đạt lợi nhuận tăng thêm từ 8 - 10 triệu đồng/ha/vụ.

Đặc biệt, mô hình góp phần cải thiện chất lượng đất, giảm phát thải khí nhà kính. Lúa hàng hóa được hợp tác xã bao tiêu với giá cao hơn thị trường, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Từ hiệu quả bước đầu, số lượng thành viên đăng ký tham gia mô hình ngày càng tăng. Vụ lúa Hè Thu 2025, Hợp tác xã Phát Tài đã mở rộng diện tích tham gia đề án lên 100 ha, với gần 90 hộ tham gia.

Tin, ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)