04:18 05/04/2017

Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp

Muốn hoàn thành mục tiêu phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017 các đơn vị phải hỗ trợ nhiều hơn cho các hộ cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị triển khai kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017 và 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 tại UBND TP Hồ Chí Minh vào chiều ngày 5/4.


Theo các đại biểu tham dự hội nghị, hiện nay tỷ lệ các hộ cá thể chuyển đổi mô hình kinh doanh sang doanh nghiệp chưa cao. Đại diện quận Bình Tân cho biết, quận có 127 doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển sang họat động theo hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện mới 13 hộ kinh doanh đồng ý và đã làm thủ tục chuyển thành doanh nghiệp trong năm 2016, 12 hộ kinh doanh đồng ý chuyển thành doanh nghiệp trong năm 2017, 102 hộ kinh doanh chưa đồng ý chuyển thành doanh nghiệp. 


Tương tự, quận Tân Phú có 775 hộ kinh doanh có đủ điều kiện nhưng hiện mới có 6 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và 5 hộ kinh doanh cam kết chuyển đổi trong tháng 4.

Số doanh nghiệp thành lập mới sẽ giúp người lao động có thêm nhiều việc làm.

Nguyên nhân khiến các hộ cá thể chưa chuyển đổi thành doanh nghiệp chủ yếu là do các hộ đang gặp khó khăn như: hạn chế về quản lý, sử dụng lao động dưới 10 người; nguyên liệu đầu vào không có hóa đơn, chứng từ; gặp vướng mắc về thủ tục thuế…


Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết muốn phát triển doanh nghiệp từ việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể, thành phố cần xây dựng cẩm nang về những địa chỉ của các đơn vị cần liên hệ để giải quyết các thủ tục chuyển đổi cho người dân. Cách hay nhất là các sở, ngành nên chủ động thực hiện cấp phép các giấy tờ để doanh nghiệp không mất nhiều thời gian đi lại. Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp những vướng mắc về đất đai, mặt bằng, thuế…


Theo thống kê của Cục thuế, trên địa bàn thành phố có trên 36.000 doanh nghiệp, trong đó có 14.821 hộ có sử dụng hóa đơn. Hiện quận 1, 3, 10 có doanh thu trên 1,2 tỷ/năm, các quận còn lại có doanh thu trên 500 triệu/năm.


“Khi các hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp sẽ có tư cách pháp nhân và con dấu riêng thì thuận lợi cho việc mua bán, tăng uy tín của doanh nghiệp, tăng doanh thu kinh doanh… Đặc biệt, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bị lỗ sẽ được chuyển lỗ sang năm sau và không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh, cho biết thêm.


Bà Nguyễn Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố đóng góp 60 – 62% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là tiềm lực lớn, vì vậy phải đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền loại hình doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh. Hiện Sở đang thực hiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp trong vòng 1 ngày, xem xét cấp lại giấy phép khác trong vòng 2 ngày. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài việc nuôi dưỡng những doanh nghiệp đang hoạt động, một mặt cũng làm giảm số lượng doanh nghiệp giải thể để cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn.


Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2015 thành phố có 31.000 doanh nghiệp, 2016 phát triển 36.000 (tăng 13%) và năm 2017, dự kiến số doanh nghiệp phát triển bình thường sẽ là 43.000 doanh nghiệp cùng 28.000 hộ cá thể.


“Mặc dù đẩy mạnh phát triển 500.000 doanh nghiệp nhưng thành phố không chạy theo số lượng mà cần chú ý đến chất lượng, hiệu quả và bền vững. Không tạo sự lo lắng, hoang mang cho bà con khi chuyển sang doanh nghiệp”, ông Liêm cho biết thêm.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức