06:07 21/06/2016

Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chịu sức ép rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì thế, việc nâng cao sức khỏe cho DN được Chính phủ xác định là một trong những ưu tiên lớn nhất hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNVV chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp (DN) cả nước và có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Tiếp sức cho DNNVV

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho khu vực DNNVV, bao gồm từ khâu đào tạo, hỗ trợ pháp lý, đến các chương trình xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ… Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ này được đánh giá là vẫn chưa đủ, chưa tập trung để các DN phát huy hết tiềm năng, tạo dựng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập mới. Ngay cả khâu đánh giá, tổng kết, một số chương trình mới chỉ dừng ở mức ước tính tỷ lệ DNNVV tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia. Cụ thể, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động.

Công ty Cổ phần sản xuất thương mại nhựa Hiệp Thành, huyện Bến Lức (Long An) chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng và công nghiệp tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để giúp DN có thể tiếp cận hơn được các chương trình hỗ trợ, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, tối ưu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình dự thảo luật về hỗ trợ DNNVV, với mục tiêu đây sẽ là khuôn khổ pháp lý mang tính liên tục, nhất quán và toàn diện cho DNNVV. Dự luật đề xuất giúp phát triển DN gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng, thông qua việc thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia. Đặc biệt, dự luật này xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ DNNVV, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ DNNVV từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.

DN hưởng lợi lớn

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, luật này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận của DNNVV thông qua chính sách giảm chi phí thuế tới 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm; nâng số DN có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp từ 52.000 DN hiện nay lên hơn 100.000 DN trong 10 năm tới. Luật còn giúp mở rộng thị trường và nâng cao cơ hội cho DNNVV về khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các cơ quan nhà nước với tổng giá trị gần 21 tỷ USD; với khoảng 40.000 DN có cơ hội cung cấp dịch vụ, sản phẩm qua các hợp đồng mua sắm công trị giá 4,2 tỷ USD. Ngoài ra, DNNVV sẽ có cơ hội tiếp cận thêm ít nhất 397.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và 7.560 tỷ đồng thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng…

Đối với Nghị quyết 35/NQ-CP, nhiều ý kiến cũng cho rằng nghị quyết này thật sự đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các bộ ngành, hiệp hội trong việc hỗ trợ cho DN. Có thể thấy, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai một số nội dung thuộc Chương trình kết nối ngân hàng - DN, tập trung thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 2668/NHNN-VP ngày 17/4/2016 về việc đảm bảo các cuộc đối thoại trực tiếp, định kỳ và các hợp đồng cam kết cho vay vốn cụ thể với DN trên địa bàn; thường xuyên bám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp với thực tế hoạt động DN cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đối với các tổ chức tín dụng, NHNN còn yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các nội dung kết nối ngân hàng- DN để hỗ trợ kịp thời vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định và phát triển sản xuất, nhất là các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Để việc hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV được lan tỏa và đem lại hiệu quả lâu dài, chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng vẫn cần có kế hoạch hành động cụ thể từ các bộ ngành, hiệp hội trở xuống cho từng đơn vị, cấp dưới, và cấp dưới nữa.

Ngoài ra, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ cũng cần có sự tham gia của DN lớn để tiếp sức cho các DNNVV. Vai trò của DN lớn trong việc hỗ trợ DNNVV là rất quan trọng vì Chính phủ không thể “giang tay” hỗ trợ hết tất cả DNNVV trong thời gian dài.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh:

Nên thường xuyên hỗ trợ thông tin cho DNNVV Hiện nay, DNNVV rất yếu, trong đó khả năng tiếp cận thông tin là yếu nhất. Phần lớn, các DNNVV vẫn loay hoay làm sao để có thể nắm rõ các thông tin về chính sách, dự báo, nghiên cứu thị trường nhưng không biết tìm thông tin ở đâu. Vì thế, để hỗ trợ thiết thực cho DNNVV, Nhà nước nên có chương trình cụ thể. Hiệp hội mong muốn những chương trình hỗ trợ của Nhà nước nên cụ thể và thủ tục dễ dàng, đừng nên vẽ ra cơ chế nghe rất hay nhưng thực hiện không được, giống như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, thực tế chẳng bảo lãnh được ai, vì thế thời gian qua DN tư nhân phải tự bơi.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng:

Hãy để DN tự trưởng thành Hiện nay, chúng ta hay có tư duy muốn phát triển cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tư duy đó rất đúng nhưng vì quá ăn sâu vào DN, thành ra mọi suy nghĩ đều hướng tới muốn phát triển thì cần phải có ưu đãi về vốn, ưu đãi về đất đai hay hạn chế hàng ngoại… Nhưng nếu ưu đãi sẽ khiến các ngành nghề bị “đụng” nhau. Còn hỗ trợ thì Nhà nước nên hỗ trợ từ đường sá, giao thông để tạo thuận lợi giảm chi phí vận chuyển, chi phí đi lại… thực hiện những vấn đề thủ tục kinh doanh, xuất khẩu cho tốt. Còn mọi cái khác hãy để DN tự trưởng thành.

H.Y (thực hiện)


Hải Yên