06:05 01/06/2012

Hỗ trợ doanh nghiệp gắn với tái cấu trúc nền kinh tế

Mặc dù các giải pháp “cứu” DN đang được triển khai nhưng theo các chuyên gia kinh tế, việc hỗ trợ DN phải gắn với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Mặc dù các giải pháp “cứu” DN đang được triển khai nhưng theo các chuyên gia kinh tế, việc hỗ trợ DN phải gắn với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.


Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, càng trong bối cảnh khó khăn thì các DN càng phải chú trọng thực hiện tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh để hoạt động hiệu quả hơn. Các biện pháp mạnh để kiềm chế lạm phát dù rất cần thiết và đã mang lại kết quả tích cực song đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, khả năng chống chọi với khó khăn của DN phụ thuộc không chỉ vào những yếu tố khách quan mà chính là những yếu tố chủ quan nội tại của DN.


Thực tế là, trong khi tỷ lệ DN ngoài quốc doanh trong nước ngừng hoạt động hoặc giải thể chiếm tới trên 9,2% thì khu vực FDI chỉ có gần 2,6%. Khu vực DN FDI gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, có thị trường tiêu thụ ổn định và có khả năng quản trị kinh doanh bài bản nên có khả năng trụ vững tốt hơn. Ngay với các DN trong nước, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN có năng lực cạnh tranh nhưng tạm thời đang khó khăn về thanh khoản thì nếu được hỗ trợ kịp thời sẽ nhanh chóng lấy lại được sức bật.

 

Tuy nhiên, có những DN lại yếu kém đến mức dù lãi suất có giảm nữa thì họ cũng không dám vay vì khả năng hấp thụ vốn quá yếu kém. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, phần lớn những DN ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản thời gian qua là những DN mới thành lập 1- 2 năm gần đây, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, hướng kinh doanh không rõ ràng. Việc cứu những DN này không dễ dàng vì thậm chí lãi suất có giảm nữa thì DN cũng không dám vay vì không có đủ khả năng hấp thụ vốn.


Bản thân các DN cũng thừa nhận, lãi suất cao, thị trường khó khăn... là những nguyên nhân khách quan tác động đến DN. Nhưng, nhiều khi khó khăn của DN lại xuất phát từ chính nội tại của DN nhiều hơn. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Phạm Đức Bình cho rằng, tình cảnh của nhiều DN thức ăn chăn nuôi hiện nay lại chủ yếu do bản thân các DN. Những năm trước khi thị trường thuận lợi, lợi nhuận cao, các DN đầu tư không tập trung, kiểu “cứ có tiền là làm bậy”, thay vì mua nguyên liệu dự trữ giá rẻ thì lại đầu tư mua xe đẹp, xây văn phòng lớn... dẫn đến không thể quản trị được dòng tiền của mình.

 

Do vậy, bên cạnh việc đợi chờ lãi suất giảm, các DN phải giải quyết khó khăn của mình bằng nội lực, tức là cơ cấu lại đầu tư, chi phí... Để giảm gánh nặng lãi suất, DN nên giảm thời gian tạm trữ từ ba tháng xuống còn một tháng, thậm chí một tuần để quay nhanh vòng tiền. Giảm chi phí bằng cách cắt giảm chi tiêu từ trên xuống dưới chứ không chỉ cắt giảm nhân công hay thu nhập của người lao động. Hiện nay nhiều DN ngành xi măng gặp khó do tiêu thụ giảm, hàng tồn kho cao. Nhưng, khó khăn của DN ngành xi măng không chỉ do thị trường bất động sản khó khăn, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Một nguyên nhân khác cũng cần kể đến là tình trạng đầu tư không theo quy hoạch đã dẫn đến thừa công suất xi măng...


Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên họp báo Chính phủ ngày 27/5 đã khẳng định, vốn trong ngân hàng là không thiếu, vấn đề là tháo gỡ cho những DN nào, ngành nghề nào phù hợp với tái cơ cấu DN và tái cơ cấu nền kinh tế.


Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đồng quan điểm rằng, việc thực thi các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN cần phải dựa trên tư duy về tính tất yếu yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, đó là những DN yếu kém sẽ phải rút lui khỏi thị trường, dồn nguồn lực cho các DN thực sự có tiềm năng và năng lực phát triển. Khi đó, nguồn lực của nền kinh tế vốn không dồi dào, sẽ đến đúng các địa chỉ, tạo nên hiệu ứng tích cực không chỉ với DN trong lúc khó khăn mà quan trọng hơn, sẽ thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu của từng DN theo đúng mục tiêu chung của nền kinh tế, tránh được những lo ngại về phân bổ nguồn lực và “cứu nhầm” DN.


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nêu quan điểm, để tháo gỡ khó khăn cho DN và tình trạng kinh tế trì trệ cần tăng đầu tư nhưng tiền phải vào đúng chỗ để tạo ra hàng và sức sản xuất. Nếu tiền bơm ra mà tiêu chí không cụ thể, để lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho chi phối thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt có thể đẩy nền kinh tế phải đối mặt với một đợt lạm phát mới sau khi giải quyết xong những khó khăn đợt này. Nghị quyết 13/NQ-CP vẫn mang tính chất ngắn hạn. Vì vậy, Chính phủ cũng nên sớm công bố và đẩy mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế như một biện pháp dài hạn.